TS. Bảo Khâm, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ giới thiệu thông tin về trường với Đại sứ Hoa Kỳ Daniel J. Kritenbrink (năm 2018)

Những điểm nhấn về đào tạo

Sau một năm ra trường (năm 2010), Hoàng Công Định, cựu sinh viên (SV) Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế đã đủ sức mở riêng một doanh nghiệp.

Anh Định chia sẻ, những kiến thức và kỹ năng học tập tại Trường ĐH Ngoại ngữ với sự định hướng nghề nghiệp tốt (về du lịch) của các thầy cô, cộng với thời gian ngắn tích lũy thêm kinh nghiệm từ doanh nghiệp, giúp anh tự tin khởi nghiệp.

Đến nay, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thương mại và Du lịch Dima Tour của anh là một trong những doanh nghiệp khá thành công ở Phan Thiết (Bình Thuận) và hằng năm đều tiếp nhận, hỗ trợ thực tập và việc làm cho SV Huế.

Hoàng Công Định là một trong số rất nhiều cựu SV Trường ĐH Ngoại ngữ thành đạt. Theo đại diện lãnh đạo Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế, 15 năm đào tạo, nhà trường đã cho “ra lò” hơn 10.000 cử nhân, đóng góp nguồn nhân lực có chất lượng cho khu vực miền Trung – Tây Nguyên và cả nước.

ThS. Phan Thanh Tiến, Phó Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Ngoại ngữ cho biết, 15 năm qua, nhà trường có được rất nhiều điểm nhấn về đào tạo, trong đó tuyển sinh các năm đều đạt gần 100% chỉ tiêu. Ngay cả giai đoạn tuyển sinh khó khăn nhất là 3 năm gần đây, trường vẫn thuộc “top” các trường thành công khi luôn có thí sinh đăng ký nhập học vượt qua mốc 100% chỉ tiêu. “Đáng mừng là, trong khi nhiều đơn vị phải lấy điểm chuẩn ngang điểm sàn thì chúng tôi vẫn giữ được mức điểm chuẩn khá tốt”, ThS. Phan Thanh Tiến nhấn mạnh.

Chất lượng đào tạo ĐH của nhà trường cũng ngày càng tăng, trong đó tỷ lệ SV tốt nghiệp giỏi, xuất sắc bình quân mỗi năm đạt 15 – 20% và có xu hướng tăng. Năm 2019, tỷ lệ tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc đạt 33%. Chuẩn đầu ra năng lực ngoại ngữ của trường tương đương bậc 4/6 và 5/6 theo khung năng lực 6 bậc của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và đang được xây dựng theo lộ trình tăng dần nhưng tỷ lệ tốt nghiệp của SV không bị giảm, đó là tín hiệu đáng mừng.

Theo lãnh đạo nhà trường, từ khi thành lập, trường còn làm nhiệm vụ đào tạo ngoại ngữ không chuyên cho SV ĐH chính quy và không chính quy của ĐH Huế và học viên sau ĐH. Từ năm 2013, trường tiếp tục xây dựng đề án dạy và học ngoại ngữ không chuyên theo cấp độ và cấp chứng chỉ (sau này là giấy chứng nhận) năng lực ngoại ngữ cho người học, đồng thời tổ chức đưa người học ngoại ngữ không chuyên từ các trường về học tại giảng đường riêng của nhà trường. “Chỉ tính từ giai đoạn áp dụng đề án đến nay đã có hơn 22.000 SV của ĐH Huế được đào tạo và cấp chứng chỉ/chứng nhận, đó là con số không hề nhỏ”, đại diện phụ trách bộ phận ngoại ngữ không chuyên ĐH Huế khẳng định.

Theo lãnh đạo Phòng Đào tạo, Trường ĐH Ngoại ngữ, đối với đào tạo sau ĐH, tuy là đơn vị còn non trẻ song cũng có những kết quả khá tốt. Hiện, trường đã mở và đào tạo 2 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ và 5 chuyên ngành đào tạo thạc sỹ với quy mô đào tạo hàng năm trên 30 nghiên cứu sinh và hơn 100 học viên cao học.

Thành công trong hợp tác quốc tế

Hiện, trường có hơn 90 đầu mối hợp tác quốc tế. Thông qua các văn bản ký kết hợp tác với các trường đối tác tại Thái Lan, Lào, Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Pháp…, nhà trường tiếp nhận gần 1.100 SV nước ngoài (2004 -2019) đến học các chương trình tiếng Việt ngắn hạn, chương trình tiếng Anh, chương trình Hoa kỳ học, tham gia các chương trình thực tập, thực tế tại trường. Bên cạnh đó, trường còn tạo điều kiện cho SV đi học tập, thực tập tại các trường đối tác ở châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… với số lượng ngày càng tăng. Trong 15 năm qua, có gần 2.200 SV được hưởng thụ từ các chương trình hợp tác này.

ThS. Lại Quốc Lộc, Phó Trưởng phòng Khoa học Công nghệ - Hợp tác quốc tế, Trường ĐH Ngoại ngữ cho biết, song song với hoạt động hợp tác về đào tạo, nhà trường cũng có nhiều hợp tác thúc đẩy lĩnh vực khoa học. Nhà trường đã phối hợp các cơ sở giáo dục, đơn vị của quốc tế tổ chức nhiều hội thảo khoa học quốc tế.

Thông qua hợp tác quốc tế, trường đã kêu gọi tài trợ từ các đối tác nước ngoài trong thực hiện các chương trình, dự án như Chương trình tiếng Anh học tập phục vụ cộng đồng (2016-2017), Tăng cường năng lực ngôn ngữ trong lĩnh vực du lịch ( 2016-2018), Dự án “Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và quản lý du lịch cho đội ngũ giảng viên ĐH chuyên ngành tiếng Pháp du lịch và nghiên cứu du lịch (bền vững)” (2018 - 2020). Ngoài ra, nhà trường cũng tiếp nhận tài trợ tài liệu, trang thiết bị phục vụ dạy và học tại trường.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC