Sản xuất, chế biến nông sản tại Công ty TNHH Giống cây trồng Liên Việt

Bà Âu Thị Nguyệt Liên, Trưởng phòng Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế - Cục Thuế tỉnh cho biết, dịch vụ hỗ trợ thuế chủ động dự kiến thực hiện sẽ cung cấp dịch vụ theo phân đoạn người nộp thuế (NNT), cụ thể là đối với DNNVV khác nhau nhằm có thể hỗ trợ và tương tác với NNT theo nhu cầu của họ.

Dịch vụ hỗ trợ chủ động dành cho DNNVV thích làm đúng, tự nguyện tuân thủ nghĩa vụ thuế và phân phúc DNNVV thích làm đúng nhưng không thực hiện thành công, không biết tuân thủ như thế nào (NNT muốn tuân thủ nhưng yêu cầu hỗ trợ).

Theo đó, các loại hình dịch vụ sẽ cung cấp cho DNNVV những kiến thức về thuế, nâng cao nhận thức của NNT về vấn đề thuế và cung cấp thông tin chính xác để ngăn chặn việc không tuân thủ thông qua các kênh như tin nhắn nhắc nhở - SMS, hội thảo, liên lạc công cộng và đối thoại với các hiệp hội thương mại.

Dịch vụ hỗ trợ thuế được thực hiện qua gởi email, điện thoại đến cơ quan thuế, trang thông tin điện tử theo các loại thông tin có sẵn, tương tác, giao dịch và chuyển giao trên cơ sở xây dựng niềm tin giữa cơ quan thuế và DNNVV để nâng cao tuân thủ tự nguyện. Xu hướng hỗ trợ DNNVV là loại hình chiếm tỷ trọng lớn trong cộng đồng doanh nghiệp có mức độ am hiểu về chính sách pháp luật thuế chưa cao, giúp họ dễ dàng tuân thủ, hỗ trợ hướng dẫn kịp thời, xử lý đúng tình huống.

Hoạt động sản xuất tại Công Ty TNHH Msv khu công nghiệp Phú Bài (Hương Thủy)

Theo Cục Thuế tỉnh, để đạt được điều này, đơn vị đang xây dựng hệ thống bảng hỏi khảo sát để đánh giá đúng thực trạng về việc cung cấp dịch vụ hỗ trợ thuế hiện nay của cơ quan thuế. Khi hoàn thành bảng hỏi, Cục Thuế tỉnh dự kiến khảo sát hơn 400 doanh nghiệp. Sau đó, các DN sẽ được chia thành 2 nhóm: nhóm 1 sẽ được cơ quan thuế cung cấp dịch vụ hỗ trợ thuế chủ động theo nhu cầu và nhóm 2 sẽ cung cấp dịch vụ hỗ trợ thuế như hiện nay. Sau một năm từ khi khảo sát lần 1, đơn vị sẽ thực hiện khảo sát lần 2 để đánh giá lại mức độ cung cấp dịch vụ của cơ quan thuế có đáp ứng yêu cầu nâng cao tuân thủ thuế của DNNVV hay không, dịch vụ nào hiệu quả cần bổ sung và dịch vụ nào giảm tần suất thực hiện.

Thông qua kết quả khảo sát, cơ quan thuế đưa ra quy trình cung cấp thông tin, hay quy trình hỗ trợ đối với DN có mong muốn thực hiện đúng chính sách, hay muốn thực hiện nhưng không thành công, cũng như chuyển DN không hợp tác, không tuân thủ qua thanh kiểm tra hay cưỡng chế thuế.

Ông Hà Văn Khoa, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh thông tin, kết quả khảo sát sẽ cho phép cơ quan thuế đánh giá được mức độ ảnh hưởng của dịch vụ hỗ trợ thuế đến sự tuân thủ thuế của DNNVV, từ đó xây dựng chiến lược tuân thủ thuế hiệu quả hướng đến tuân thủ thuế tự nguyện.

Với đánh giá của Cục Thuế tỉnh, hàng năm thanh kiểm tra chiếm khoảng 20% số lượng DN, việc xây dựng dịch vụ hỗ trợ thuế dành cho khoảng 80% DNNVV có ý nghĩa thiết thực nhằm giảm chi phí cho các cơ quan thuế và cả DNNVV. Bên cạnh đó, hiện ngành thuế đang có xu hướng nâng cao cơ cấu cán bộ thuế thuộc chức năng thanh kiểm tra khoảng 30% số lượng cán bộ để đáp ứng yêu cầu quản lý thuế. Mỗi đoàn kiểm tra khoảng 5 người, kiểm tra tại trụ sở 5 ngày, mỗi năm sẽ thực hiện nhiều nhất là 36 DN, vậy để kiểm tra 5.000 DNNVV trên địa bàn thì cần nhiều nhất là 138 đoàn kiểm tra tại cơ quan thuế tương ứng với gần 690 cán bộ thuế. Điều này vượt quá yêu cầu biên chế bộ máy tổ chức ở cơ quan thuế.

Dịch vụ hỗ trợ thuế chủ động được Cục Thuế tỉnh triển khai là “trợ lực” cho DNNVV (Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công Ty TNHH Tayca)

Kết quả mong muốn của dịch vụ hỗ trợ thuế chủ động của Cục Thuế tỉnh là tìm ra giải pháp về dịch vụ hỗ trợ thuế xây dựng được niềm tin của DNNVV đối với cơ quan thuế từ đó hướng đến tuân thủ thuế tự nguyện. Theo khảo sát sơ bộ của cơ quan chức năng, hầu hết các chủ DN đều mong cơ quan thuế có nhiều dịch vụ hỗ trợ tích cực hơn để họ không phải “sợ” thuế và hầu hết các chủ DN đều mong muốn làm đúng để phát triển DN bền vững.

Bài, ảnh: NGUYỄN KHÁNH