Người dân huyện Phong Điền bọc thanh trà bằng túi ni lông để hạn chế ánh nắng mặt trời
Ảnh hưởng đến năng suất
“Thủ phủ” trồng cây thanh trà tại phường Thủy Biều (TP. Huế) những ngày này, nhiều người dân đang tỏ ra lo lắng khi tiết trời nắng nóng, nền nhiệt cao khiến thanh trà chậm lớn. Khoảng hơn 1 tháng nữa, thanh trà sẽ vào vụ thu hoạch nhưng so với mọi năm, trái thanh trà nhỏ hơn thường lệ. “Vườn thanh trà gia đình tôi hàng năm cho thu nhập gần 100 triệu đồng. Năm nay, nắng nóng diễn ra liên tục khiến trái nhỏ, chậm phát triển. Nếu thời tiết tiếp tục bất lợi, khả năng năng suất thanh trà sẽ thấp hơn cùng kì năm ngoái”, ông Nguyễn Văn An (phường Thủy Biều) chia sẻ.
Những năm gần đây, thanh trà là loại cây mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ở Thủy Biều xuất hiện nhiều vườn thâm canh cây thanh trà cho thu nhập trên dưới 100 triệu đồng/năm, đồng thời thương hiệu thanh trà Huế nổi tiếng khắp cả nước. Vụ thu hoạch thanh trà khoảng từ cuối tháng 6 – 9 hàng năm. Chiếu theo khung lịch thời vụ, giai đoạn thanh trà kết trái, phát triển đến khi thu hoạch, loại cây này sẽ bị ảnh hưởng bởi thời tiết nắng nóng.
Theo ông Hoàng Trọng Di, Giám đốc HTX NN Thủy Biều, thời điểm này, nếu bình thường, người trồng sẽ bón kali để tăng độ ngọt cho trái, song nắng nóng khiến cây phát triển chậm, nhiều diện tích bị cháy cuống do ánh nắng mặt trời trực tiếp chiếu rọi. Hiện, 10-15% diện tích cây thanh trà rải rác ở Thủy Biều bị chết khô do nắng nóng. “Thủy Biều có hơn 145ha thanh trà. Do nắng nóng, người trồng phản ứng chậm nên nhiều diện tích bị cháy đọt. Trái thanh trà bị đam, nám vỏ. Còn khoảng 1,5 tháng nữa thanh trà sẽ vào vụ thu hoạch, nắng nóng, thiếu nước tưới khiến chất lượng thanh trà giảm sút, sản lượng chắc chắn sẽ không bằng mọi năm. Những người trồng thanh trà nếu không tăng cường chăm sóc, nguy cơ mất mùa thanh trà rất cao”, ông Hoàng Trọng Di thông tin.
Nông dân thị xã Hương Trà bổ sung nước cho cây thanh trà
Không chỉ ở Thủy Biều, tại những địa phường có diện tích thanh trà lớn trên địa bàn tỉnh như, Phong Điền, Hương Trà, Hương Thủy cũng bị ảnh hưởng bởi nắng nóng. Người trồng cũng rất khó khăn trong việc “giải hạn” cho cây. “Nhu cầu về nước đối với cây thanh trà rất lớn, đặc biệt vào giai đoạn này. Tuy nhiên, hạn hán khiến nguồn nước khô kiệt. Đối với những diện tích ở bãi bồi, ven sông thì có thể dùng máy bơm, đường ống bổ sung nguồn nước cho cây. Tuy nhiên, những vùng trồng thanh trà ở gò đồi, cách xa nguồn nước như tui thì rất khó khăn trong việc chống hạn. Hiện, đa số người trồng thanh trà đang lo lắng cho sản lượng cũng như chất lượng thanh trà vụ mùa năm nay”, ông Trần Xuân Thảo (phường Hương Vân, TX. Hương Trà) nói.
Đầu tư chống hạn
Diện tích thanh trà toàn tỉnh hiện khoảng gần 900 ha tập trung chủ yếu ở các địa phương như, Hương Trà, Hương Thủy và TP. Huế. Đây là loại cây trồng được khuyến khích phát triển bởi đầu ra ổn định, tạo thu nhập cao cho người trồng. Trước tình hình khô hạn đang diễn ra, nông dân các địa phương đang triển khai các phương án chống hạn. “Ngoài việc tích cực tưới, bổ sung nước cho cây thanh trà thì đối với số diện tích trái bị nám, đam, người dân phải có biện pháp che, bọc trái để hạn chế ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên, diện tích thanh trà lâu năm, cây cao từ 7-8m việc che chắn cho cây cũng rất khó khăn. Do vậy, phương án chúng tôi đưa ra đó là làm thế nào để kéo những nhánh, đọt thanh trà xuống thấp hơn”, ông Hoàng Trọng Di cho biết.
Cán bộ huyện Phong Điền chia sẻ phương pháp trồng, chăm sóc thanh trà cho nông dân
Tại một số địa phương vùng chuyên canh cây thanh trà, để tránh mất mùa thanh trà, người dân đã mạnh dạn đầu tư hàng chục triệu đồng để lắp đặt hệ thống tưới phun sương, máy bơm nước, chuyển nguồn nước từ sông bổ sung chong cây thanh trà. “Thanh trà mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ dân ở địa phương. Do nắng nóng nên nhiều hộ đã đầu tư hệ thống tưới hiện đại nhằm đảm bảo năng suất cây trồng. Hiện nay, nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư cho hệ thống tưới, bình quân cứ 1.000 m2 đầu tư 4-5 triệu đồng”, ông Nguyễn Cửu Ngọc, Chủ tịch UBND xã Dương Hòa (TX. Hương Thủy) thông tin.
Theo ông Hồ Đắc Thọ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cây thanh trà bắt đầu hình thành trái từ tháng 2, giai đoạn từ tháng 3-5, trái sẽ phát triển mạnh, người trồng phải bón phân, nhu cầu về nước giai đoạn này rất cao. Thời điểm này, tình hình nắng nóng diễn ra gay gắt nên ảnh hưởng lên đến sự phát triển của trái thanh trà, do vậy năng suất lẫn chất lượng sẽ giảm nếu không bổ sung nước đầy đủ. “Chi cục đã triển khai nhiều biện pháp chống hạn cho cây thanh trà đến người trồng. Thực tế, một số vườn thanh trà đã đầu tư nhiều biện pháp huy động nước tưới. Bây giờ, người trồng cần thực hiện những biện pháp như, tưới tiết kiệm, tưới phun mưa, tưới gốc, bọc trái, ủ gốc thanh trà bằng rơm rạ để giữ nước... Đối với diện tích thanh trà mới trồng, người dân cần tận dụng bóng mát để che chắn, hạn chế ánh nắng mặt trời”, ông Thọ thông tin.
Theo kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu thanh trà đến năm 2025 của UBND tỉnh, diện tích vùng nguyên liệu phấn đấu đến năm 2020 đạt 942 ha, trong đó diện tích cho sản phẩm là 643ha, diện tích trồng mới khoảng 116ha, năng suất trái đạt 17-18 tấn/ha, sản lượng ước đạt 10.900 – 11.500 tấn quả/năm. Ngoài ra, sẽ tiến tới ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào thâm canh cây thanh trà, thay đổi nhận thức và kỹ thuật cho người trồng để nâng cao năng suất, chất lượng, tạo tính bền vững và bảo vệ nguồn gen, bảo tồn văn hóa nhà vườn Huế… |
Bài, ảnh: L.Thọ