Đường vào khu sản xuất của người dân Hương Sơn bị bít lối khi hồ Tả Trạch tích nước

Thất lạc hồ sơ

Hiện nay, diện tích đất một số hộ tại xã Hương Sơn, Hương Phú nằm trong vùng bán ngập lòng hồ Tả Trạch từ cao trình +45 đến +53 chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), chưa được đền bù do không có hồ sơ để xem xét đã đền bù hay chưa. Nguyên nhân theo người dân do hồ sơ đã thất lạc.

Ông Hồ Văn Vinh, Chủ tịch UBND xã Hương Phú thông tin, toàn xã có khoảng hơn 38 ha đất nông nghiệp và đất ở bị ảnh hưởng bởi lòng hồ Tả Trạch từ cao trình +45 đến +53 của 124 hộ dân. Còn diện tích đất sản xuất lâm nghiệp địa phương chưa thống kê đầy đủ. Hiện nay, các hộ dân đã được cấp GCNQSDĐ một số diện tích nằm trong khu vực bán ngập người dân vẫn sản xuất bình thường nhưng lại khó khăn trong việc chuyển nhượng, tách thửa, cho tặng. Ngoài ra, một số diện tích bán ngập, bị chia cắt phát sinh sau này, người dân kiến nghị được đền bù do sản xuất không ổn định. Thời gian tới, địa phương tiếp tục nắm tình hình, thống kê rà soát để xuất huyện, tỉnh tiếp tục đền bù bổ sung khi có chủ trương.

Tại xã Hương Sơn, khi hồ chứa Tả Trạch bắt đầu tích nước đến cao trình +45m trở lên cũng đã làm nhiều vùng đất sản xuất của người dân thôn A2, Ba Ha, Ta Rung- vốn không nằm trong vùng bị ảnh hưởng đã xác định trước đây, nay bị ngập, cô lập, chia cắt trong lòng hồ.

Ông T.X.D, một hộ dân ở thôn A2 lo lắng, gia đình ông có 3 ha cao su, keo tràm được xác định nằm ngoài ranh giới ảnh hưởng. Tuy nhiên, hàng năm hồ thủy lợi tích nước từ cao trình +45 đến +53 thì một số diện tích đất rừng bị ngập, cô lập hoặc chia cắt gây khó khăn cho sản xuất. “Nguyện vọng gia đình muốn tiếp tục rà soát, đền bù đối với những diện tích khó khăn hoặc không sản xuất được do ngập, ảnh hưởng bởi lòng hồ”, ông D. nói.

Đền bù bổ sung khi có chủ trương

Ông Hồ Tăng Phúc, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Nam Đông cho hay: “Dự án hồ Tả Trạch ảnh hưởng đến người dân 4 xã, thị trấn (Hương Sơn, Hương Hòa, Hương Phú và Khe Tre), được đền bù cho những hộ dân bị ảnh hưởng chia làm 2 giai đoạn năm 2003 và đền bù bổ sung năm 2016”.

Theo đó, việc đền bù cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi Dự án lòng hồ Tả Trạch trước đây bắt đầu từ năm 2003 do Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện Nam Đông đảm nhiệm và cơ quan thường trực là Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện. Đến năm 2016, khi có chủ trương đền bù bổ sung đối với đất rừng và tài sản gắn liền với đất cho các hộ gia đình được Trung tâm Phát triển quỹ đất Nam Đông đảm nhiệm.

Trung tâm đã làm việc với Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện để bàn giao hồ sơ cũ nhằm đối chiếu, xác định diện tích đã được đền bù và diện tích cần được bổ sung, nhưng hồ sơ chỉ còn lại các quyết định phê duyệt phương án bồi thường, không tìm thấy các biên bản kiểm đếm thiệt hại tài sản, tờ khai nguồn gốc sử dụng đất và bản đồ giải phóng mặt bằng. Cán bộ phụ trách công tác bồi thường tại thời điểm đó nay đã chuyển công tác, không còn làm tại địa phương và cơ quan thường trực bồi thường giải phóng mặt bằng lại thay đổi, do đó công tác lưu trữ và bàn giao đã để thất lạc hồ sơ của dự án.

Theo UBND huyện Nam Đông, với nguyên nhân trên, trách nhiệm đối với việc làm thất lạc hồ sơ là do cơ quan thường trực hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thời điểm đó; trong đó trách nhiệm cá nhân thuộc về cán bộ phụ trách công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án và cán bộ lưu trữ, bàn giao và nhận hồ sơ khi cán bộ phụ trách chuyển công tác đến địa phương khác.

Thời gian tới, UBND huyện tiếp tục tổng hợp, kiểm tra thực tế, đối chiếu với các quyết định phê duyệt trước đây để xác định đối với các hộ bị ngập bổ sung, sau đó kiến nghị UBND tỉnh, chủ đầu tư dự án xin chủ trương tiếp tục bố trí nguồn vốn đền bù, cắm mốc các mực nước ngập và bán ngập của lòng hồ nhằm đo đạc, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp tục đền bù bổ sung cho các gia đình khi có chủ trương.

Bài, ảnh: Hà Nguyên