Vụ huy động vốn đến hẹn nhưng không chi trả (đây chỉ là một cách nói thận trọng) gần đây nhất, được Công an TP.Huế đang điều tra cho biết, đã lên đến hơn 50 tỷ đồng. Một “nạn nhân” khai báo rành rẽ, nếu góp vốn 1 tỷ đồng thì sẽ được trả 70 triệu đồng 1 tháng. Nghĩa là lãi suất 84%/năm. Góp 1 tỷ, mỗi năm kiếm được một chiếc ô tô tầm trung. Quả là có sức hấp dẫn!?

Nhưng sự đời không đơn giản như vậy. Chuyện đầu tư condotel bùng nổ thời gian gần đây – ngoài chuyện pháp lý còn bàn cãi, chủ dự án cam kết với người góp vốn (tùy theo dự án) được trả lợi tức từ 9 -12/năm. Nghĩa là nhỉnh hơn lãi suất ngân hàng. Vậy mà có nhiều chuyên gia kinh tế là người nước ngoài còn đặt vấn đề nghi ngờ về mức sinh lợi này. Huống hồ, chuyện huy động vốn trả lãi suất 84%/năm.

Người đi huy động vốn thường là theo một dây chuyền nhiều mắt xích. Nó giống như những mắt xích trong bán hàng đa cấp. Dễ hình dung hơn thì nó giống như một cái rễ cây. Rễ lớn sinh ra nhiều rễ nhỏ; rễ nhỏ sinh ra nhiều rễ nhỏ nữa… Nếu một mắt xích bị trục trặc thì lập tức có thể sinh ra hiệu ứng domino.

Bây giờ chúng ta thử xem xét sự vô lý của lãi suất. Chắc chắc rằng, rất ít ngành nghề kinh doanh mà sinh ra mức lợi suất cao như vậy. Trong thực tế cũng có thể có nhưng thường là thiếu tính bền vững. Ví dụ như bất động sản trong thời kỳ sốt, có thể đưa lại lợi nhuận vài trăm phần trăm (đợt sốt đất đầu năm 2019 ở Huế đã có hiện tượng tăng giá đột biến này). Nhưng điều này cũng ẩn chứa nhiều rủi ro khi thị trường đi xuống. Phần lớn các ngành nghề khác đều đưa lại mức sinh lợi một hai chục phần trăm năm đã là mừng.

Chuyện huy động vốn lớn rồi “bị vỡ” cứ lặp đi lặp lại cho thấy, chiêu thức huy động vốn với lãi suất rất cao chưa bao giờ là cũ. Người góp vốn chưa hẳn là không đặt câu hỏi nghi ngờ về mức sinh lợi cao nhưng nhiều khi vì “tâm lý hám lợi” mà “quên mất” rủi ro. Hơn ai hết, người huy động biết rất rõ tâm lý này!?

Để huy động được nhiều vốn, người huy động thường áp dụng nhiều chiêu thức. Đầu tiên là phải xây dựng được mối quan hệ quen biết. Trong quá trình quen biết, họ tìm ra mọi cách để “khoe mẽ” là người giàu có , sở hữu nhiều tài sản; có nhiều cách làm ăn đưa lại hiệu quả rất cao. Khi huy động vốn được rồi, họ trả lãi rất đều đặn vào thời gian đầu (mục đích có thể tạo sự tin cậy và lôi kéo được nhiều người, nhiều vốn). Và đến khi không trả được (vì nhiều lý do, có thể làm ăn thật sự nhưng thua lỗ và cũng có thể có ý đồ lừa đảo) chính là lúc “đường dây” huy động vốn bị vỡ.

Chính vì vậy cho nên người muốn cho vay mượn phải lưu ý mấy điều sau:

Phải biết nghi ngờ khi cảm thấy được chi trả một mức lãi suất quá cao. Nếu không đủ hiểu biết để phân tích hiện tượng này thì có thể nhờ sự tham vấn của một số người hiểu biết.

Tốt nhất là phải biết đặt ra những câu hỏi và tự tìm câu trả lời: Họ làm gì, kinh doanh ngành nghề gì mà mức sinh lợi cao như vậy. Đã góp vốn rồi, tình huống xấu nhất họ chây ì không trả (hoặc nếu họ trốn đi đâu mất) thì mình sẽ  tìm giải pháp gì: pháp lý can thiệp có đảm bảo mình thu hồi được vốn không. Nếu không chắc chắn trả lời được các câu hỏi này thì tốt nhất là không nên góp vốn, góp vốn lớn lại càng không nên.

Tức là trong cuộc sống, luôn luôn phải đặt ra câu hỏi: tại sao? trước nhiều tình huống.

Bình Sơn