Hoạt động khai thác đá tại mỏ đá Thượng Long

Sẽ làm lại đường cho dân

Báo Thừa Thiên Huế đã có bài viết về việc khai thác mỏ đá Thượng Long do Công ty Trường Thịnh chưa thực hiện đền bù, hỗ trợ và trả mặt bằng sản xuất, xây lại đường đi cho dân.

Sau khi báo nêu, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan và chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra tại công ty. Qua kiểm tra cho thấy, công ty thực hiện hỗ trợ, bồi thường cho người dân theo từng năm vào tháng 12 đối với cây hoặc diện tích đất bị ảnh hưởng không canh tác được. Đến nay, tổng số tiền công ty đã bồi thường, hỗ trợ là 220 triệu đồng, trong đó: năm 2017 là 126 triệu đồng, năm 2018 là 93 triệu đồng.

Tuy nhiên, đầu năm 2019 vẫn phát sinh 2 trường hợp là ông Nguyễn Văn Thọ, ông Hồ Văn Tú đề nghị công ty bồi thường, hỗ trợ. Đến nay, công ty đã làm việc với ông Nguyễn Văn Thọ, ông Hồ Văn Tú và thống nhất giá trị bồi thường như sau: ông Hồ Văn Tú được hỗ trợ thiệt hại của năm 2018, 2019 là 6,4 triệu đồng cho 396,2m2 đất trồng lúa; ông Nguyễn Văn Thọ được hỗ trợ thiệt hại 160 nghìn đồng/cây. Tuy nhiên, bảng tổng hợp lập ngày 27/6/2019 có chữ ký của ông Nguyễn Văn Thọ vẫn chưa thể hiện số lượng cây bị thiệt hại.

Tuyến đường vào ra mỏ đá bị hư hỏng nặng chưa được khắc phục, sửa chữa

Qua quá trình làm việc và báo cáo của các bên tham dự, Sở Tài nguyên và Môi trường nhận thấy phía Công ty Trường Thịnh có tinh thần cầu thị, tích cực hỗ trợ, đền bù cho người dân khi có yêu cầu. Song do công ty chỉ thực hiện khai thác, không có văn phòng hành chính tại khu vực mỏ nên việc trao đổi thông tin, phối hợp với chính quyền địa phương còn rất hạn chế, nhất là trong công tác phối hợp giải quyết các yêu cầu, kiến nghị của người dân về các vấn đề liên quan trong khai thác khoáng sản.

Về việc đường dân sinh bị hư hỏng do quá trình vận chuyển đá, đoạn đường dân sinh bị hư hỏng theo Báo Thừa Thiên Huế phản ánh là tuyến đường từ tỉnh lộ 14B vào mỏ đá Thượng Long có chiều dài khoảng 300m. Tuyến đường này được UBND huyện Nam Đông cho phép công ty sử dụng để vận chuyển đất, đá phục vụ thi công công trình và công ty phải có trách nhiệm khắc phục, sửa chữa hư hỏng trả lại như hiện trạng ban đầu.

Qua kiểm tra thực tế, tuyến đường này đã bị hư hỏng do quá trình vận chuyển đá từ mỏ. Để khắc phục một phần hư hỏng, công ty đã rải đá dăm trên tuyến đường này. Hiện tại công ty vẫn đang sử dụng vận chuyển đá nên chưa thể sửa chữa hoàn trả như hiện trạng ban đầu. Công ty đã thống nhất sẽ sửa chữa, hoàn trả như hiện trạng ban đầu trước khi kết thúc dự án khai thác mỏ 6 tháng (ngày 1/7/2020).

Vì sao Bệnh viện Đại học Y Dược Huế thu phí dịch vụ vệ sinh?

Bệnh viện Đại học Y Dược Huế là bệnh viện tự chủ nên thu thêm phí để phục vụ tốt hơn 

Dư luận đặt câu hỏi: Bệnh viện Đại học Y Dược Huế thu phí vệ sinh bệnh nhân với mức 5 nghìn đồng/bệnh nhân khám ngoại trú và 10 nghìn đồng/bệnh nhân điều trị nội trú như vậy có đúng luật?

Vấn đề này, Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế trả lời như sau: Bệnh viện Đại học Y Dược Huế là bệnh viện hạng I, có 700 giường bệnh, hoàn toàn tự chủ về chi thường xuyên và chi đầu tư. Mặc dù gặp nhiều khó khăn về kinh phí nhưng bệnh viện với sự hỗ trợ của các cấp, ban ngành từ Trung ương đến địa phương đã triệt để tiết kiệm, phát huy các nguồn kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của Nhân dân.

Bệnh viện đã và đang thực hiện thu giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) theo quy định của Nhà nước. Cơ cấu giá khám chữa bệnh được Bộ Y tế quan tâm và có lộ trình xây dựng khung giá phù hợp với chi phí thực tế theo từng dịch vụ kỹ thuật. Tuy nhiên, đến nay, cơ cấu giá khám chữa bệnh chưa tính đủ các chi phí đầu vào. Tỷ lệ bệnh nhân có BHYT chiếm 95% số bệnh nhân đến khám và điều trị, mỗi bệnh nhân thường có 1 đến 2 người nhà đi theo chăm sóc, dẫn đến việc tiêu tốn thêm một cách đáng kể chi phí điện, nước, vệ sinh...

Để bù đắp một phần chi phí đó, giảm bớt khó khăn về kinh phí, trong thời gian qua, bệnh viện có thu thêm phí vệ sinh với mức 5 nghìn đồng/bệnh nhân khám ngoại trú và 10 nghìn đồng/bệnh nhân điều trị nội trú. Nguồn thu đó sử dụng để chi cho công tác phục vụ người bệnh và người nhà đi kèm.

Cụ thể, bệnh viện đã trả tiền thuê công ty vệ sinh công nghệ bảo đảm vệ sinh buồng bệnh, phòng khám, vệ sinh nội – ngoại cảnh và xử lý rác thải, cấp nước và làm vệ sinh thường xuyên cho các khu nhà vệ sinh, tắm giặt miễn phí; trả tiền điện để chạy các phương tiện chống nóng; trả tiền điện – nước để cung cấp nước uống miễn phí qua các máy cấp nước uống tự động… Số tiền hàng tháng bệnh viện phải chi từ các nguồn thu là gần 200 triệu đồng cho công tác vệ sinh, từ 700-800 triệu đồng tiền điện và nước, gần 70 triệu đồng cho công tác an ninh.

Nguồn thu và chi từ khoản thu nói trên được bệnh viện theo dõi, quyết toán cụ thể trong hệ thống tài chính kế toán của bệnh viện, đã góp phần giải quyết một phần khó khăn về kinh phí trong quá trình xây dựng, phát triển và hoàn thiện cơ chế tự chủ của bệnh viện.

Bệnh viện cam kết tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh; tuyên truyền cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân giữ gìn vệ sinh chung; sử dụng điện nước đúng mức, tiết kiệm, tránh lãng phí và gây thiệt hại kinh tế cho bệnh viện; và sẽ xem xét, điều chỉnh các chi phí cho phù hợp với quy định hiện hành.

Bài, ảnh: Thái Sơn