Gần một nửa số người nghèo đa chiều hiện nay là trẻ em. Ảnh: Livemint

Bất bình đẳng sâu rộng giữa các quốc gia

Theo báo cáo, châu Phi cận Sahara và Nam Á là nơi có tỷ lệ người nghèo cao nhất, chiếm đến khoảng 84,5%, trong đó, mức độ bất bình đẳng giữa các nước được mô tả là rất lớn. Ở châu Phi cận Sahara, tỷ lệ người nghèo đa chiều dao động từ 6,3% ở Nam Phi lên đến 91,9% ở Nam Sudan, trong khi đó ở Nam Á, tỷ lệ này là 0,8% ở Maldives, và tăng lên 55,9% ở Afghanistan.

Đáng chú ý, tình trạng bất bình đẳng cũng xuất hiện trong nội bộ nhiều nước. Ở Uganda, 55% dân số đối mặt với nghèo đói đa chiều, nhưng ở thủ đô Kampala, tỷ lệ MPI là 6%, trong khi ở khu vực Karamoja, tỷ lệ này tăng vọt lên đến 96%.

Thậm chí, bất bình đẳng còn tồn tại dưới cùng một mái nhà. Ví dụ, ở Nam Á, gần ¼ trẻ em dưới 5 tuổi sống trong các hộ gia đình có ít nhất một trẻ em trong gia đình bị suy dinh dưỡng và ít nhất một đứa trẻ khác thì không.

Trẻ em chịu gánh nặng lớn nhất

Báo cáo của UNDP cho thấy, trên toàn thế giới, tỷ lệ nghèo đa chiều ở trẻ em là 1/3, trong khi ở người lớn là 1/6. Điều đó có nghĩa là gần một nửa trong số 1,3 tỷ người sống trong nghèo đói đa chiều hiện nay, tương đương 663 triệu trẻ dưới 18 tuổi, với những đứa trẻ nhỏ nhất mang gánh nặng lớn nhất.

Phần lớn những đứa trẻ này, khoảng 85%, sống ở Nam Á và châu Phi cận Sahara, với tỷ lệ gần như bằng nhau giữa hai khu vực. Bức tranh này đặc biệt đáng báo động ở Burkina Faso, Chad, Ethiopia, Nigeria và Nam Sudan, nơi 90% trẻ em dưới 10 tuổi sống trong cảnh nghèo đói đa chiều.

Tiến bộ trong nỗ lực giảm nghèo

Theo Tiến sĩ Sabina Alkire, Giám đốc OPHI, dữ liệu của một nhóm 10 quốc gia có thu nhập trung bình và thấp cho thấy những dấu hiệu đáng khích lệ khi 40% những người nghèo nhất đang có những bước tiến nhanh hơn phần còn lại. Ở 10 quốc gia này, 270 triệu người đã thoát nghèo đa chiều, trong đó tiến bộ chủ yếu được thúc đẩy bởi Nam Á. Cụ thể, ở Ấn Độ đã có 271 triệu người thoát nghèo trong năm 2016 so với năm 2006, trong khi ở Bangladesh, con số này đã giảm 19 triệu trong giai đoạn 2004-2014.

Giám đốc Văn phòng Báo cáo Phát triển Con người tại UNDP cho biết, báo cáo này vẽ ra một bức tranh toàn diện hơn về nghèo đói, chỉ ra nơi các chính sách có thể nhắm mục tiêu nhằm bù đắp những thiếu thốn của con người, cho dù đó là giáo dục, y tế hay những khía cạnh khác có thể giúp mọi người thoát khỏi đói nghèo nếu những khoản đầu tư này được thực hiện.

Tuy nhiên, báo cáo lưu ý rằng không có biện pháp duy nhất nào là hướng dẫn đầy đủ cho cả bất bình đẳng và nghèo đa chiều. Các nghiên cứu như MPI, Chỉ số phát triển con người và hệ số Gini… có thể đóng góp và cung cấp thông tin quan trọng cho các hành động chính sách để giảm nghèo hiệu quả.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ UN & UNDP)