Các nhà khoa học không gian của Ấn Độ đang hoàn thiện các tàu Chandrayaan-2. Nguồn: Reuters

Cơ quan Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) đang lên kế hoạch phóng tàu vũ trụ sử dụng công nghệ “cây nhà lá vườn” vào ngày 15/7 tới đây và dự kiến sẽ hạ cánh trên bề mặt Mặt Trăng vào ngày 06 hoặc 07/9. Con tàu Chandrayaan-2 trị giá 141 triệu USD sẽ phân tích khoáng sản, lập bản đồ bề mặt của Mặt Trăng và tìm kiếm các dấu hiệu nước.

Với việc Ấn Độ đã thử nghiệm thành công vũ khí chống vệ tinh hồi tháng 3 vừa rồi, Thủ tướng Narendra Modi khẳng định rằng quốc gia này đã trở thành một cường quốc vũ trụ cùng với Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc.

Nhiều thập kỷ nghiên cứu không gian đã cho phép Ấn Độ phát triển các công nghệ vệ tinh, thông tin liên lạc và viễn thám, giúp giải quyết các vấn đề hàng ngày của quốc gia này, từ dự báo di cư của các loài cá cho đến dự đoán các cơn bão và lũ lụt.

Sứ mệnh Chandrayaan-2 sẽ bao gồm một vệ tinh bay quanh quỹ đạo Mặt Trăng, một tàu đổ bộ và một thiết bị tự hành. Tàu đổ bộ sẽ mang theo máy ảnh, máy đo địa chấn, dụng cụ đo nhiệt và máy thu hồi laser do Nasa cung cấp giúp tính toán khoảng cách giữa Trái đất và Mặt Trăng.

Cực Nam Mặt Trăng đặc biệt thú vị bởi vì phần lớn diện tích của nó nằm trong bóng tối, cho thấy khả năng lớn hơn về sự hiện diện của nước. Nước là một thành phần thiết yếu cho sự sống và tìm thấy nước là mục tiêu của các nhà khoa học để xác định xem còn có sự sống ở nơi nào khác trong hệ Mặt Trời của chúng ta hay không.

Đây sẽ là nhiệm vụ tìm kiếm nước đầu tiên ở cực Nam Mặt Trăng.

Anh Tuấn (Lược dịch từ The Bangkok Post)