Paris lần đầu tiên giới thiệu chương trình xe đạp dùng chung của Velib vào năm 2007. Ảnh: AFP/Ludovic Marin

Tại thủ đô nước Pháp, cuộc cách mạng về các phương tiện di chuyển linh động đã nhanh chóng bắt đầu, với sự hưởng ứng của người dân địa phương và khách du lịch khi họ kịp thời nắm bắt hàng loạt giải pháp đi lại dựa trên các nền tảng ứng dụng. Và quan trọng hơn, trong bối cảnh biến đổi khí hậu gây ra tình trạng sóng nhiệt thường xuyên và cảnh báo ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng hơn, Paris đang bắt đầu đẩy lùi sự thống trị của đế chế ô tô vốn gây nhiều phát thải. Thành phố này không chỉ nâng cấp hệ thống giao thông công cộng cung cấp các chuyến xe buýt, tàu lửa và tàu điện ngầm liên tỉnh mà còn chứng kiến sự bùng nổ chưa từng thấy các lựa chọn thay thế.

Quá nhiều xe ô tô? Một số người nghĩ rằng đã đến lúc Paris nên cấm hoàn toàn các loại xe hơi trong trung tâm thành phố. Ảnh: AFP/Ana Arevalo

"Các thành phố của chúng ta đã bị ô tô xâm chiếm. Chúng len lỏi vào gần như mọi khoảng trống nhỏ nhất… Ở Paris, ô tô chỉ được sử dụng cho 10% các chuyến đi hàng ngày nhưng chúng chiếm tới 50% không gian công cộng", ông Oliverhe Najdovski, phó Thị trưởng thành phố cho biết.

Nhiều lựa chọn thay thế

Trong bối cảnh đó, Paris đã đi đầu trong nỗ lực đổi mới khi xây dựng một dịch vụ chia sẻ xe đạp tiên phong vào năm 2007. Được biết đến với cái tên Velib, mô hình này đã được nhân rộng trên toàn cầu, từ London (Anh) cho đến Chicago (Mỹ). Tiếp đến là kế hoạch chia sẻ xe điện Autolib, sau đó là chương trình tận dụng các xe đạp vô chủ thành xe công cộng, và mới đây nhất là sự xuất hiện hàng loạt của những chiếc xe máy điện trên đường phố vào mùa hè năm 2018. Ngoài ra, không thể không đề cập đến các thiết bị di chuyển cá nhân khác như ván trượt tự cân bằng hoverboard và xe đạp điện.

Nhưng như thế liệu có đủ không gian? Với các tài xế taxi, câu trả lời chắc chắn là không! Những người này tỏ ra bất bình trước nhu cầu ngày càng tăng về không gian của các phương tiện nói trên và với kế hoạch 1.000 km đường dành cho xe đạp dự kiến ​​sẽ hoàn thành vào năm 2020 của chính phủ.

Ước tính Paris đang có khoảng 15.000 xe máy điện trên đường phố, điều này cũng đã gây ra những phản ứng dữ dội khi những người đi xe tuỳ tiện vứt chúng trên vỉa hè, làm lộn xộn lề đường và gây phiền toái cho người đi bộ.

Rẻ hơn Uber, nhanh hơn tàu điện ngầm, xe điện đang bùng nổ ở Paris. Ảnh: AFP/Francois Guillot

37% người Paris sở hữu ô tô

Theo AFP, mỗi ngày có khoảng 41 triệu chuyến đi được thực hiện ở khu vực Paris, trong đó 15 triệu lượt đi bằng ô tô và 10 triệu lượt sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.

Kể từ ngày 1/7 vừa qua, tất cả các dòng xe diesel đăng ký trước năm 2006 đều bị cấm đi vào thành phố, nhưng liệu chính quyền có nên mạnh tay hơn và cấm cửa toàn bộ mọi loại xe hơi vào trung tâm thành phố?

Đến năm 2020, Paris sẽ có 1.000km làn đường dành cho xe đạp. Ảnh: AFP/Ludovic Marin

Nỗ lực giảm thiểu các dòng xe gây ô nhiễm

Theo văn phòng Thị trưởng, ngày nay, chỉ có hơn 1/3 (37%) các hộ gia đình ở Paris có xe ô tô, và tỷ lệ này giảm xuống còn 1/5 ở trung tâm thành phố. Để tránh xa các phương tiện chạy bằng nhiên liệu gây ô nhiễm, nên tập trung vào xe đạp điện, loại phương tiện có khả năng giúp những người sống ở vùng ngoại ô, phó Thị trưởng Paris nhấn mạnh. Vấn đề cần quan tâm là sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng. Theo ông Najdovski, số lượng xe đạp điện ở Pháp thấp hơn 2-3 lần so với Đức hoặc Hà Lan.

Tuy nhiên, những hình thức di chuyển mới này không hiệu quả với tất cả mọi người, và đặc biệt đặt ra những e ngại cho những người có gia đình. Và đối với nhiều người dân thành phố, chiếc xe là không gian riêng giống như phòng khách của họ, nơi họ có thể có những hoạt động cá nhân mang tính riêng tư như gọi điện hay nghe nhạc.

Bà Mireille Apel-Muller, một nhà xã hội học đứng đầu thành phố cho rằng, việc di chuyển không chỉ là vận chuyển mà "đó là một cách sống". Theo bà, “tất cả các hình thức vận chuyển mới này đòi hỏi phải có điện thoại thông minh và các ứng dụng mà bạn phải thành thạo. Nếu không, nó sẽ khó được phổ biến".

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ AFP)