Tàu đánh bắt xa bờ cập Cảng cá Thuận An
Chưa tàu cá nào đăng ký chứng nhận, truy xuất nguồn gốc thủy sản
Ông Võ Giang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho rằng, cần phải mở rộng thị trường và trước tiên sản phẩm hải sản khai thác của các tàu đánh bắt xa bờ (ĐBXB) phải được chứng nhận, truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, các cơ sở thu mua cũng cần phải chứng minh được chất lượng sản phẩm để đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu theo đường chính ngạch. Hiện nay, dù chúng tôi đã tuyên truyền, triển khai nhưng chưa có tàu cá nào trên địa bàn tỉnh đăng ký chứng nhận, truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác.
“Trong quá trình vươn khơi, chúng tôi được các cơ quan chức năng giám sát về lịch trình, giờ xuất cảng, cập cảng và sản lượng. Giá cả phụ thuộc vào sự chi phối của các đầu mối thu mua. Các DN thu mua không yêu cầu đăng ký chứng nhận truy xuất nguồn gốc hải sản nên hầu hết các tàu cá đều không có nhu cầu này”, ngư dân Trần Văn Cường (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang) cho biết.
“Mỗi tháng chúng tôi cam kết thu mua hải sản của ngư dân từ 400-500 tấn. Số lượng một phần tiêu thụ nội địa, một phần được các DN ngoại tỉnh thu mua để xuất khẩu. Các DN đó xuất khẩu theo đường tiểu ngạch nên không có yêu cầu về chứng nhận, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Chúng tôi phân phối nội địa nên cũng không có nhu cầu đăng ký yêu cầu này. Bây giờ, Trung Quốc thắt chặt hàng hóa theo đường tiểu ngạch nên các sản phẩm của DN xuất khẩu trước đây bị ứ đọng. Điều đó kéo theo cơ sở của chúng tôi bị ảnh hưởng”, ông Trần Văn Châu, chủ cơ sở thu mua hải sản ở cảng cá Thuận An phân tích.
Hải sản tại Thừa Thiên Huế vẫn khó xuất khẩu
Các doanh nghiệp “kén” hải sản trong tỉnh
Tại Thừa Thiên Huế đang có các nhà máy chế biến thủy sản như: Công ty TNHH XNK thủy sản Phú Song Hường, Công ty cổ phần Phát triển Thủy sản Huế, Công ty CP Thủy sản Phú Thuận An, Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam – Chi nhánh đông lạnh Thừa Thiên Huế... Các đơn vị này đủ điều kiện an toàn thực phẩm, được phép chế biến, xuất khẩu thủy sản vào thị trường EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Argentina và các thị trường khác có yêu cầu kiểm tra, chứng nhận của NAFIQAD (Cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản).
Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản thủy sản tỉnh, các DN phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa duy trì tốc độ phát triển khá ổn định, giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2018 đạt 58 triệu USD. Tuy nhiên, với nhiều lý do, nguyên liệu hải sản Thừa Thiên Huế chưa thể đứng chân tại các DN lớn này.
“Trước đây, chúng tôi cũng có nhập cá nục của ngư dân Thừa Thiên Huế, nhưng do không đảm bảo các yêu cầu nên đã ngưng nhập mặt hàng này. Hiện nay, về hải sản chúng tôi chỉ thu mua mực để chế biến xuất khẩu. Và nguồn hàng đảm bảo thường nhập ở các địa phương khác chứ không phải ở Huế”, ông Trần Mai Anh, đại diện Công ty Xuất nhập khẩu Sông Hương nói.
Thông tin từ Công ty CP Phát triển thủy sản Huế, đơn vị này cũng nhập, chế biến mực có nguồn gốc Quảng Bình trước khi xuất khẩu sang các nước trên thế giới. Trong khi đó, tại các siêu thị, kênh bán lẻ thủy hải sản khác thì sản phẩm của ngư dân Thừa Thiên Huế cũng không dễ đứng chân.
Bà Võ Thị Thu Thủy, Giám đốc Siêu thị Big C Huế thông tin, các mặt hàng nhập vào siêu thị phải đảm bảo nhiều yêu cầu về chất lượng lẫn nguồn gốc, và trong các mặt hàng thủy hải sản được bày bán tại Big C, sản phẩm thủy hải sản có nguồn gốc tại Thừa Thiên Huế không nhiều.
Các cơ quan chức năng cho rằng, mặc dù đã có bước phát triển nhưng so với các tỉnh thành khác, quy mô nghề cá tại Thừa Thiên Huế còn nhỏ. Chính nhận thức hạn chế về thị trường, thiếu sự liên kết với các DN chế biến thủy sản của ngư dân khiến họ gặp khó khăn.
Muốn khai thông đầu ra cho khai thác biển, cần xây dựng thị trường, tạo mối quan hệ với nhiều đối tác. Các cơ sở thu mua cần đầu tư có chiều sâu về công nghệ, chế biến nhằm tăng giá trị. Cơ quan Nhà nước cũng cần hỗ trợ ngư dân để họ gắn kết với các DN chế biến lớn trên địa bàn tỉnh, nếu không, sản phẩm của ngư dân tiếp tục đánh mất cơ hội ngay trên sân nhà.
Khó vào các thị trường lớn Hiện, cả tỉnh có đội tàu đánh bắt xa bờ có công suất từ 400CV trở lên trên 400 chiếc. 6 tháng đầu năm 2019, sản lượng khai thác biển đạt trên 19.000 tấn, chiếm tỉ trọng hơn 90% tổng số sản lượng khai thác thủy sản. Ngoài thị trường Trung Quốc, thủy hải sản của ngư dân tại Việt Nam có thể xuất khẩu sang nhiều thị trường khác trên thế giới, như EU. Theo quy định, các lô hàng thủy sản khi xuất khẩu vào EU, đặc biệt là hải sản phải có thông tin về tàu khai thác, tên chủ tàu, phương tiện đánh bắt, vùng biển khai thác, loại sản phẩm và trọng lượng, giấy báo chuyển trên biển... Trên thực tế, hải sản của ngư dân Thừa Thiên Huế chưa thể đi theo con đường này. |
Bài, ảnh: Lê Thọ