Người di cư ngủ bên ngoài một nhà thờ ở Mexico ngày 14/7 khi chờ xét tị nạn vào Mỹ - Ảnh: REUTERS

Hãng tin Reuters ngày 15/7 dẫn thông báo từ Bộ An ninh nội địa và Bộ Tư pháp Mỹ cho biết những người di cư vượt biên từ Mexico vào biên giới phía Nam nước Mỹ sẽ không được xin tị nạn vào nước này. 

Những trường hợp chưa từng xin tị nạn ở "quốc gia thứ ba" trên đường di cư đến biên giới Mỹ cũng hết cửa xin tị nạn tại Mỹ. 

Quy định mới chỉ cho phép ngoại lệ với những trường hợp là nạn nhân của buôn người hay tra tấn. Tuy nhiên Mỹ coi hầu hết người di cư từ phía nam là vì lý do kinh tế và không đủ điều kiện cấp quy chế tị nạn. 

"Mỹ là một quốc gia rộng lượng, nhưng hoàn toàn quá tải bởi gánh nặng liên quan đến hàng trăm nghìn người đang bị bắt giữ và trong quá trình xét duyệt tại biên giới phía Nam" - Bộ trưởng Tư pháp William Barr nói, cho biết chính sách này nhằm hạn chế các lao động xuất khẩu nước ngoài và những người muốn lợi dụng hệ thống xin tị nạn để có thể vào Mỹ.  

Còn theo quyền Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ Kevin McAleenan, đây là biện pháp cần thiết bởi những chính sách trước đó đều không thể ngăn được dòng người di cư. 

Theo quy định, những người xin tị nạn sẽ được phép ở lại và tự do đi lại tại Mỹ trong thời gian chờ xét quy chế, có thể kéo dài đến hai năm. Tuy nhiên nhiều người đã "bốc hơi" trong thời gian này. 

Trước đó, Mỹ bắt đầu tiến hành truy quét các đối tượng nhập cư bất hợp pháp trên phạm vi cả nước. Theo đó, các nhân viên Cơ quan Di trú và hải quan Mỹ (ICE) đã được triển khai tại nhiều khu phố ở 10 thành phố lớn với kế hoạch bắt giữ khoảng 2.000 người di cư không có giấy tờ tùy thân xâm nhập vào nước Mỹ trong nhiều tháng qua. 

Các nhân viên ICE không chỉ bắt giữ những đối tượng có lệnh truy bắt, mà cả những người di cư không đủ giấy tờ tùy thân tình cờ bị bắt gặp hoặc kiểm tra, thậm chí cả những người từng ở nước Mỹ nhiều năm, có nhà cửa, việc làm và con cái đang là công dân Mỹ. 

Tất cả các trường hợp bị trục xuất đều căn cứ theo hồ sơ của cơ quan quản lý di trú địa phương. Tuy nhiên, chiến dịch này làm dấy lên quan ngại về việc nhiều gia đình rơi vào tình trạng chia cắt.

Theo Tuoitre