Vụ thử hạt nhân vào năm 1952 trên đảo san hô Newetak, thuộc quần đảo Marshall. Nguồn: AP

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Columbia đã thử nghiệm các mẫu đất trên bốn hòn đảo không có người ở và phát hiện ra rằng chúng có chứa nồng độ đồng vị hạt nhân cao hơn đáng kể so với hai khu vực xảy ra thảm họa nói trên.

Hai trong số các hòn đảo được phân tích là Bikini và Enewetak, đã từng được sử dụng như là ground zero (địa điểm trên mặt đất nằm gần nhất với vị trí xảy ra vụ nổ hạt nhân) trong các vụ thử nghiệm hạt nhân của Hoa Kỳ giai đoạn 1946-1958. Các hòn đảo khác như Rongelap và Utirik thì bị ảnh hưởng bởi bụi phóng xạ từ vụ thử hạt nhân lớn nhất trong số 67 thử nghiệm - vụ thử mang tên Bravo.

Các nhà nghiên cứu tại Columbia cho biết họ hướng đến việc “giới thiệu một bức tranh về các điều kiện phóng xạ hiện tại” trong khu vực “bằng cách kiểm tra bức xạ gamma bên ngoài và nồng độ hoạt động của hạt nhân phóng xạ trong đất”.

Phát hiện của họ vừa được công bố trên tạp chí PNAS, cho thấy bức xạ gamma ở một số khu vực “cao hơn nhiều” so với giới hạn phơi nhiễm hợp pháp được nêu trong các thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và Cộng hòa Quần đảo Marshall. Cụ thể, nồng độ plutonium tại đảo Bikini cao hơn 15 – 1.000 lần so với các mẫu thử từ các khu vực bị ảnh hưởng bởi thảm họa Chernobyl và Fukushima.

Các chuyên gia cũng đã tiến hành thử nghiệm trên các loại trái cây được tìm thấy ở Quần đảo Marshall và phát hiện ra rằng mức độ ô nhiễm tại  các đảo Bikini, Rongelap và Naen cao hơn mức an toàn được thiết lập ở Nga, Ukraine, Belarus và Nhật Bản.

Anh Tuấn (Lược dịch từ New York Post)