Xóm Đồng ở thôn Nhất Phong hiện nay - nơi ông Lê Viết Hý từng trú ẩn

Ông Lê Sáu cho biết, giữa tháng 11/1968, sau khi thoát được cuộc truy lùng của địch ở xã Phong Hòa, ông đã cùng Chánh Văn phòng Huyện ủy Nguyễn Hữu Á quay trở lại Phong Chương tìm cách ổn định tình hình sau Chiến dịch Xuân 1968.

Tại Phong Điền, sau Xuân 1968, được máy bay, pháo binh, xe tăng yểm trợ, nhiều đơn vị của Sư đoàn Dù 101 - Airbone của Mỹ phối hợp với Trung đoàn 54 của Sư đoàn I Quân đội Sài Gòn mở trên 60 cuộc “Hành quân hủy diệt” nhằm “Bình định cấp tốc” ở những vùng mà đối phương đã mất quyền kiểm soát.

Riêng ở Phong Chương, sau khi cày ủi làng mạc, Nhân dân các thôn: Phú Lộc, Nhất Phong, Mỹ Phú, Chánh An…bị đẩy đến khu tập trung Cồn Sắn (xã Phong Thu - sát quận lỵ Phong Điền). Tại các thôn còn lại, người dân phải sơ tán sang Kế Môn, Đại Lộc, Thế Chí Tây, chợ Biện (Điền Hương, Điền Lộc) hay tản cư về Thủy Lập (Quảng Thái - Quảng Điền). Qua đó, chúng thực hiện thanh lọc, đánh phá cơ sở, làm cho đội ngũ cán bộ bám trụ ở Phong Chương mất chỗ dựa và đối mặt với vô vàn khó khăn. Muốn khôi phục và củng cố phong trào cách mạng, đội ngũ cán bộ chủ chốt của huyện Phong Điền phải rời hậu cứ về đồng bằng lăn lộn cùng cơ sở và Phó Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thăng đã hy sinh.

Tại Phong Chương, ông Lê Sáu cùng Chính trị viên phó Huyện đội Phong Điền Võ Nguyên Quảng tìm cách ổn định tình hình. Tinh thần chỉ đạo “không để mất dân, xa dân” của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Chí Thanh năm 1947 tại hội nghị Nam Dương (sau khi vỡ Mặt trận Huế) đã được Bí thư Huyện ủy Phong Điền vận dụng, quán triệt cho đội ngũ cán bộ, đảng viên đang bám trụ ở Phong Chương vào thời điểm ấy.

Họp và giao nhiệm vụ xong, ông Lê Sáu cùng ông Nguyễn Hữu Nghĩa (tức Ngôn), Ủy viên Thường vụ Huyện ủy, Bí thư Phong Chương ra đồng Nhất Phong tìm gặp ông Lê Viết Hý. Ông Hý một mình sống giữa cánh đồng hoang ngập nước do vùng xóm Bàu, xóm Động, xóm Đồng (thôn Nhất Đông) bị xe cày ủi, máy bay ném bom và pháo liên tục bắn phá, làm cho căn hầm bí mật của ông bị sập. Ông Hý ẩn náu ở bàu nước này nhiều tháng nhờ trữ được gạo trong thùng đạn đại liên.

Tháng 3/1970, ông Lê Viết Hý được Huyện ủy Phong Điền cử lên vùng dốc Cao Bồi (nay thuộc địa phận CHDCND Lào) dự Đại hội chiến tranh du kích do Quân, Khu ủy Trị Thiên tổ chức.

Biết tin, ông Hồ Đình Hóa (lúc này đang công tác ở Phòng Vô tuyến điện của Khu ủy Trị Thiên Huế) đến thăm và ái ngại khi nhìn thấy hình ảnh người đồng hương của mình xanh xao, tiều tụy do đang bị sốt rét hành hạ nhưng vẫn một mực xin về lại đồng bằng.Trước khi chia tay, ông Hóa vẫn nhớ như in câu nói của ông Lê Viết Hý: “Tôi phải về, nếu xa dân sẽ không nắm được tình hình”.

Cồn Dứa, nơi ông Lê Viết Hý đào hầm bí mật nằm giữa cánh đồng hoang ở phía đông bắc xóm Đồng của thôn Nhất Phong. Biết chồng đang lẩn tránh ở đây, bà Nguyễn Thị Tầm - vợ ông, ngày ngày chèo ghe cùng cô con gái là Lê Thị Lầm đi bủa lưới. Khi không có ai, bà rẽ vào lẹt (hói) Hà Tôm tranh thủ ghé thăm và tiếp tế cơm, nước cho chồng. Những khi có chiến sự hay mạn cửa sông Ô Lâu- phá Tam Giang có giang thuyền tuần tra, nguồn tiếp tế bị cắt, ông Lê Viết Hý lại phải ngâm mình dưới bàu ruộng dùng đầu gối tự nấu ăn để tồn tại.

Sống cô độc và gian khổ như vậy, nhưng ông Hý vẫn tìm cách móc nối, vận động Nhân dân đấu tranh đòi trở về làng cũ làm ăn, qua đó gây dựng phong trào, củng cố và tăng cường lực lượng.

Từ hậu cứ, năm 1972, ông Hồ Đình Hóa được điều về đồng bằng và làm Phó Bí thư Chi bộ Phong Chương. Ông đã ra xóm Đồng tìm gặp Xã đội trưởng Lê Viết Hý.

Ông Hóa nhớ lại, nhờ phong trào cách mạng phát triển và Nhân dân đã trở về làng cũ nên một số cơ sở của ta đã tìm cách tiếp tế cho cán bộ. Trong một chuyến công tác, khi quay trở lại cồn Dứa, anh Lê Viết Hý và anh Nguyễn Văn Tánh bị vấp lựu đạn nên bị thương. Đồng đội đưa các anh lên căn cứ Hỏa Chăm ở Phong Bình điều trị, nhưng do bị thương quá nặng, thuốc men thiếu nên 2 anh đã hy sinh.

Sự tận trung, tận hiến “vì nước vong thân” của ông Lê Viết Hý thật đáng khâm phục.

Bài, ảnh: Phạm Hữu Thu