Ảnh chụp tại Khu bảo tồn ngập mặn Sungei Buloh Wetland (Singapore). Ảnh: The ASEAN Post

Đồng thời nó cũng củng cố giá trị của mạng lưới các khu bảo tồn thiên nhiên và công viên biển này.

Thuộc quản lý của Trung tâm đa dạng sinh học ASEAN (ACB), Vườn Di sản ASEAN đại diện của những nỗ lực để bảo tồn các khu vực đa dạng sinh học có tầm quan trọng hoặc mang tính độc đáo đặc biệt tại các quốc gia thành viên ASEAN.

Mặc dù ASEAN chỉ chiếm 3% diện tích thế giới, song núi, rừng, sông, hồ và cả biển của khu vực lại là môi trường sinh sống của gần 20% các loài động, thực vật trên thế giới. Đây là minh chứng rõ nhất về nhu cầu bảo vệ đa dạng sinh học của khu vực.

Được thành lập vào năm 1984 để nâng cao nhận thức, đánh giá và mức độ bảo tồn di sản thiên nhiên phong phú của ASEAN thông qua mạng lưới các khu bảo tồn, Vườn Di sản ASEAN cũng được thiết lập nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các nước thành viên trong việc bảo tồn di sản thiên nhiên chung của khu vực.

Bắt đầu với 11 khu vườn và khu bảo tồn từ 6 nước thành viên ASEAN bao gồm Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan được công nhận vào năm 1984. Đến nay, danh sách đã tăng lên đến 44 khu bảo tồn trong khối ASEAN bao gồm 10 quốc gia thành viên.

Vườn quốc gia Hat Chao Mai và Khu vực cấm săn bắn Mu Ko Libong (Thái Lan), vườn quốc gia Mu Ko Ang Thong (Thái Lan), vườn quốc gia Lò Gò Xa Mát (Việt Nam), khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh (Việt Nam) và khu bảo tồn động vật hoang dã Htamanthi (Malaysia) là những ứng cử viên mới nhất được đề cử tham gia vào Vườn Di sản ASEAN.

Phát biểu tại hội thảo Vườn Di sản ASEAN diễn ra tại Philippines vào tháng trước, Giám đốc điều hành ACB – Tiến sĩ Theresa Mundita Lim nhấn mạnh phải duy trì các tiêu chuẩn cao của Vườn Di sản ASEAN.

“Hơn cả số lượng, chúng tôi đề cao giá trị chất lượng của Vườn Di sản ASEAN. Chưa nói đến tiêu chuẩn cao nhất, chúng tôi phải đảm bảo rằng tất cả các khu bảo tồn đều đáp ứng tiêu chuẩn quản lý tối thiểu”, Tiến sĩ Theresa Mundita Lim khẳng định.

Được biết, tăng trưởng kinh tế xã hội ở ASEAN đã giúp hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo, song Trung tâm ACB lưu ý sự tiến bộ kinh tế này sẽ kéo theo tình trạng tiêu dùng leo thang và tăng các mối đe dọa đối với đa dạng sinh học như ô nhiễm, khai thác vô trách nhiệm, ô nhiễm biển. Thêm vào đó, các lĩnh vực phát triển như cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, thủy sản, khai thác, năng lượng và du lịch sẽ có tác động trực tiếp và gián tiếp đến đa dạng sinh học.

Tóm lại, đảm bảo bảo tồn đa dạng hệ sinh thái và triển khai dịch vụ hệ sinh thái là chìa khóa cho sự bền vững và thành công của khu vực ASEAN bao gồm 650 triệu dân trong tiến trình bảo vệ và thúc đẩy giá trị của Vườn Di sản ASEAN.

Đan Lê (Lược dịch từ The ASEAN Post)