Trao quyền cho phụ nữ tạo nên nhiều tác động tích cực đối với kinh tế và xã hội. Ảnh: Nestle

Mở đầu cuộc thảo luận kéo dài 1 ngày tại trụ sở Liên Hiệp quốc ở New York để đánh giá nỗ lực tốt nhất nhằm phá bỏ rào cản cản trở tiến trình trao quyền cho phụ nữ và để họ tham gia vào quyền lãnh đạo, vị chủ tịch cho biết đây là thời điểm thích hợp để triển khai hành động. Song đáng buồn, hành động vẫn chưa đủ.

Tình hình bất bình đẳng hiện nay được thể hiện trong rất nhiều bối cảnh. Ví dụ, chỉ có 42% các quốc gia trao quyền bình đẳng cho phụ nữ về sở hữu đất đai, chỉ 60% các nước phụ nữ được quyền bình đẳng khi tiếp cận các dịch vụ tài chính. Cùng lúc, khoảng cách về giới thậm chí còn xa hơn đối với phụ nữ sinh sống trong khu vực nông thôn, phụ nữ tàn tật, phụ nữ bản địa và phụ nữ lớn tuổi. Thêm vào đó, không có bất kỳ quốc gia nào đạt được bình đẳng giới hoàn toàn và phụ nữ vẫn tiếp tục phải đối diện với vấn nạn phân biệt đối xử tại mọi vùng miền, khu vực trên thế giới.

Trái lại, phụ nữ tham gia vào quyền lãnh đạo lại tạo nên nhiều tác động tích cực như đạt được ổn định kinh tế, quản lý và đầu tư tốt hơn...

“Trên đây chỉ là ví dụ cho những lợi ích mang tính chuyển đổi, lợi ích xã hội trong việc trao quyền cho phụ nữ”, bà María Fernanda Espinosa nhận định.

Theo đó, sự kiện “Bình đẳng giới và Quyền lãnh đạo của phụ nữ vì thế giới phát triển bền vững” đã đưa ra một lời kêu gọi phù hợp với chủ đề của Diễn đàn chính trị cấp cao về Phát triển bền vững (HLPF) trong năm nay là: “Trao quyền cho mọi người và đảm bảo tính toàn diện và bình đẳng”.

Được biết, Chương trình nghị sự 2030 và Tuyên bố, Cương lĩnh hành động Bắc Kinh đã đề ra những gì cần thực hiện để trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái. Những gì cần thiết lúc này là ý chí chính trị lớn hơn, sự tập trung cao độ vào các hành động thực tế và chuyển đổi nhiều nhất, cũng như nỗ lực mở rộng quy mô và tác động.

Trong một ý kiến khác có liên quan, Phó Tổng thư ký Liên Hiệp quốc Amina Mohammed cho biết, phụ nữ hiểu tường tận về tầm quan trọng của nhân phẩm, bình đẳng và cơ hội cho tất cả mọi người. Do đó, sự lãnh đạo của phụ nữ và bình đẳng giới sẽ mở khóa hàng triệu vấn đề, đem lại hàng nghìn tỷ cho kinh tế... Điều quan trọng cần được nhấn mạnh là sự tham gia bình đẳng của phụ nữ là một quyền dân chủ cơ bản.

Một lần nữa thúc đẩy hành động, vị Phó Tổng thư ký thúc giục: “Tất cả mọi người, chúng ta không thể chờ đợi thêm nữa, thời gian đã hết. Thực sự đã hết”.

Hạnh Nhi

(Lược dịch từ Devdiscourse)