Các nhân viên y tế đang phun rửa đồ bảo hộ Ebola ở Beni, Cộng hòa Dân chủ Congo ngày 31/5/2019. Ảnh: UN

Kể từ tháng 8 năm ngoái, khi đợt dịch Ebola thứ 9 bắt đầu xuất hiện ở Congo, đến nay đã có hơn 2.500 trường hợp nhiễm bệnh và gần 1.670 người đã chết ở các tỉnh Ituri và Bắc Kivu, khu vực chiến tranh với nhiều nhóm vũ trang và việc thiếu niềm tin của người dân đã cản trở nỗ lực kiểm soát đợt dịch Ebola nguy hiểm thứ 2 trong lịch sử nước này.

Tuyên bố hôm qua được đưa ra vài ngày sau khi virus Ebola được xác nhận tại Goma, một giao lộ lớn trong khu vực ở đông bắc Congo giáp biên giới Rwandan. Nỗi lo về sự lây lan của bệnh dịch này cũng tăng cao sau khi một người bán cá Congo bị bệnh đã đến Uganda và quay trở lại trong khi có triệu chứng nhiễm bệnh, và sau đó đã chết vì Ebola.

Theo ước tính của WHO,  "cần hàng trăm triệu USD" để ngăn chặn dịch bệnh này. Ngoài ra, các chiến lược tiêm chủng nên được mở rộng và cần có thêm nhiều nỗ lực hơn nữa để xây dựng niềm tin trong cộng đồng, Tiến sĩ Joanne Liu, người đứng đầu tổ chức Bác sĩ không biên giới cho biết.

Thông thường, một tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu sẽ mang lại sự chú ý và viện trợ quốc tế lớn hơn, thúc đẩy việc thiết lập lại triệt để các nỗ lực ứng phó với Ebola. Bà Alexandra Phelan, một chuyên gia y tế toàn cầu tại Đại học Georgetown cũng cho rằng về cơ bản, tuyên bố này đóng vai trò như một lời kêu gọi cộng đồng quốc cần tăng cường hỗ trợ tài chính và kỹ thuật phù hợp để đối phó với dịch bệnh. Tuy nhiên, một điều rất quan trọng là các quốc gia không nên sử dụng tuyên bố như một cái cớ để áp đặt các hạn chế thương mại hoặc du lịch, vì điều này sẽ gây tác động tiêu cực đến phản ứng cũng như cuộc sống và sinh kế của người dân trong khu vực.

Thực tế trước đây, WHO đã bị chỉ trích nặng nề vì phản ứng chậm chạp trước sự bùng phát dịch Ebola ở Tây Phi năm 2014-2016 khi liên tục từ chối ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu cho đến khi virus này lan truyền với quy mô lớn ở 3 quốc gia khiến gần 11.000 người thiệt mạng. Các tài liệu sau đó cho thấy WHO đã trì hoãn một phần vì e ngại những mặt trái của một tuyên bố tình trạng khẩn cấp khi nó có thể gây ra những phản ứng thái quá và làm tổn thương nền kinh tế của các quốc gia liên quan.

Được biết, đây là lần thứ 5 trong lịch sử WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Các trường hợp khẩn cấp trước đó được ban bố vì sự bùng phát Ebola tàn khốc ở Tây Phi, sự xuất hiện của Zika ở châu Mỹ, đại dịch cúm lợn và bại liệt. Theo Quy định Y tế quốc tế của WHO, Tình trạng Khẩn cấp Y tế Công cộng Quốc tế (PHEIC) là một “sự kiện bất thường” gây rủi ro về sức khỏe cộng đồng cho các quốc gia khác thông qua sự lây lan của dịch bệnh và cần có phản ứng quốc tế phối hợp.

BẢO NGHI (Lược dịch từ Devdiscourse & UN)