Từng bước tự khẳng định chất lượng

Ông Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường Đại học (ĐH) Ngoại thương chia sẻ: Các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) hiện đã thực hiện tự chủ trong tuyển sinh, nhất là khâu kiểm soát và đảm bảo chất lượng đầu vào - nguồn tuyển. Việc đa dạng hoá các phương thức tuyển sinh của các cơ sở GDĐH hiện nay là tất yếu, đây là tín hiệu đáng mừng, bởi giúp họ tiến gần hơn với thị trường lao động việc làm.

“Mỗi cơ sở GDĐH cần định vị cho mình thị trường nhất định và quan tâm tới các điều kiện đảm bảo chất lượng, để đáp ứng yêu cầu của thị trường đó”, ông Bùi Anh Tuấn nói.

Đầu vào quyết định chất lượng ĐH. Ảnh minh hoạ: TTXVN.

Ông Bùi Anh Tuấn cũng chia sẻ: Các ngành đào tạo của Trường ĐH Ngoại thương hiện nay đều nhận được sự quan tâm của người học. Điểm tuyển sinh đầu vào đối với phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia luôn ở top đầu. Tuy nhiên, Trường ĐH Ngoại thương luôn quan tâm và kiểm soát chất lượng đầu vào thông qua hàng loạt các chính sách và giải pháp quan trọng như: Nghiên cứu đưa ra những phương thức tuyển sinh phù hợp với ngành đào tạo và định vị thị trường; tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo; xây dựng thương hiệu nhà trường.

Đối với khối ngành Sức khoẻ, một trong những ngành khá đặc thù, thì việc coi trọng chất lượng đầu vào càng được đặt ra. Với khối ngành này, bên cạnh những trường đào tạo Y truyền thống như: ĐH Y Hà Nội, ĐH Y dược TP Hồ Chí Minh, ĐH Y Hải Phòng... thì nay có những trường đào tạo đa ngành đào tạo y, dược với nhiều phương thức xét tuyển kết hợp.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS, TS Nguyễn Hữu Tú, Hiệu phó trường ĐH Y Hà Nội cho biết: Bộ GD&ĐT đã có quyết định ngành sức khỏe sẽ có quy định về mức điểm sàn riêng. Đây là quyết định hợp lý và là tiêu chí quan trọng để đảm bảo chất lượng đầu vào, đủ để sinh viên có thể học tập ngành Y và đảm bảo chất lượng đào tạo và đảm bảo đầu ra.

PGS, TS Nguyễn Hữu Tú cũng chỉ ra 3 điểm khẳng định chất lượng đào tạo của một trường ĐH chính là: Đầu vào, quá trình đào tạo, đánh giá đầu ra. “Nếu chúng ta chỉ chú trọng đầu vào mà bỏ quên đầu tư các điều kiện để đảm bảo chất lượng của quá trình đào tạo, thì đầu ra khó tốt. Việc đánh giá năng lực đầu ra nếu không làm tốt, thì sinh viên không có đủ năng lực để tốt nghiệp. Các chính sách của Bộ đang hướng tới điều này và chú trọng kiểm định trường, kiểm định chương trình, các kỳ sát hạch quốc gia…", PGS TS Nguyễn Hữu Tú chia sẻ.

Bộ liên tục thanh tra đột xuất

Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Huy Bằng cho biết: Bên cạnh một số trường còn gặp khó khăn (chẳng hạn khối trường kỹ thuật), thì công tác tuyển sinh ĐH ngày càng lành mạnh, đáp ứng yêu cầu của xã hội, của từng trường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều trường vẫn để xảy ra thiếu sót, sai phạm.

“Đề án tuyển sinh riêng của nhiều trường không rõ ràng, nhiều thông tin chưa chính xác, một số trường xét tuyển không đúng đề án. Bộ đưa ra quy định là tuyển sinh 50% bằng học bạ, 50% là điểm thi THPT quốc gia, nhưng đến khi không đủ điều kiện thì có trường lại xét đến 80% học bạ. Nhiều trường xác định chỉ tiêu vượt quá năng lực đào tạo. Thậm chí, có trường do lo ngại tuyển nhiều giảng viên vào mà không có sinh viên thì không có nguồn kinh phí để duy trì bộ máy, nên tăng chỉ tiêu đào tạo, mà không đúng năng lực thực tế”, Chánh Thanh tra Nguyễn Huy Bằng dẫn chứng.

Cũng theo ông Nguyễn Huy Bằng, hiệu trưởng các trường nếu quán triệt công văn 2969 ngày 15/7/2019 hướng dẫn thanh tra kiểm tra tuyển sinh để xây dựng kế hoạch sẽ loại được sai sót, vi phạm. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng sẽ thành lập các đoàn thanh tra để thanh tra sát sao, kịp thời, với mục đích siết chặt kiểm soát chất lượng đào tạo của các trường ĐH trong bối cảnh tự chủ hiện nay.

Theo Báo Tin tức