Bắt nguồn nơi sông Hương từ cồn Dã Viên, sông An Cựu được hình thành như một đứa con lớn tách ra từ dòng sông mẹ để tự chảy trôi một mình. Tôi nhớ, con sông này có từ lâu lắm. Ba tôi bảo có từ thời vua Gia Long, chính ông là người “mở rộng” một con lạch nhỏ để trở thành một dòng sông. Sông An Cựu, tính từ Dã Viên cho đến điểm kết thúc trên vùng đầm phá Tam Giang chừng ba mươi ki-lô- mét. Ấy vậy mà đoạn “đầu nguồn” nằm trong lòng thành phố lại gây xao xuyến và thương nhớ biết nhường nào.
Mùa này, bên dòng An Cựu những cây muồng hoa đào phơn phớt hồng đang nở rộ, đặc biệt là đoạn bắt đầu từ Ga Huế. Đứng trên cầu Ga, đưa mắt nhìn xuôi xuống cầu Nam Giao, hai bên bờ sông hút vào mắt những bông hoa hồng phấn, và phía bên kia là hàng cây bằng lăng tim tím đã đi qua mùa hoa. Dường như, những cây muồng hoa đào chỉ dành riêng cho dòng An Cựu nên cứ đi dọc bờ sông, dù là đoạn Phủ Cam hay Kho Rèn đều nhìn thấy những chùm hoa đào đang tỏa sắc trong nắng hè.
Những ngày nắng hè trong ký ức thời thơ ấu của tôi là một dòng sông có đoạn cạn khô trơ đáy. Tôi còn nhớ như in cái trò chạy đua qua sông cùng lũ bạn trong xóm, lòng sông chỗ cạn đám bùn cũng khô đạp kêu lạo rạo dưới chân. Những chỗ sâu chỉ còn lại những vũng nước, nơi trú ngụ cuối cùng của những chú cá thuộc vào loại sống dai như cá rô đồng, cá trê, cá tràu... Dòng sông ấy, cũng là nơi tôi hăng hái cùng lũ bạn tập bơi những sải nước đầu tiên trong đời.
Lớn lên một chút, đi học, nghe thầy giảng hai câu thơ: “Núi Ngự Bình trước tròn sau méo/Sông An Cựu nắng đục mưa trong” mà không hiểu tại sao dòng sông này lại có điểm “nhận dạng” kỳ lạ như vậy. Có vài lần, đi qua sông vào ngày mưa, tôi cũng cố tình để ý xem có phải trời mưa thì nước sông trong xanh hay không, rồi ngậm ngùi bởi sự thật, rằng trời mưa thì dòng sông trong xanh thật. Tôi tự ngẫm nghĩ rồi kết luận, có khi do trời mưa, rong rêu mọc tốt tươi, nên nước sông được lọc nhiều mà trở nên trong xanh cũng nên.
Người ta bảo rằng cái gì quá quen với mình thì sẽ trở nên bình thường không còn đáng để lưu tâm nữa. Tôi ngày càng lớn rồi cuốn vào cuộc sống mãi chẳng có thời gian để ý những thứ xung quanh mình, còn dòng sông vẫn cứ trôi lững lờ từ điểm đầu đến điểm cuối, tưới tắm cho những bờ bãi, ruộng đồng...
NAM GIAO