Chất thải nguy hại được xử lý bằng công nghệ đốt nhiệt

Phát sinh với khối lượng ít, dự kiến CTNH chiếm khoảng 0,041% tổng lượng chất thải rắn phát sinh vào năm 2020. Riêng Thừa Thiên Huế, theo dự báo đến năm 2020, tổng lượng chất thải công nghiệp nguy hại khoảng 773 tấn/năm, chất thải y tế nguy hại 414 tấn/năm và chất thải nông nghiệp nguy hại 17 tấn/năm.

CTNH sinh hoạt cũng đang bị thải lẫn lộn vào chất thải rắn sinh hoạt thông thường và cùng được mang đến bãi chôn lấp. CTNH sinh hoạt gồm những vật dụng đã qua sử dụng như: chất tẩy rửa, dầu máy, thiết bị linh kiện điện tử, điện lạnh bị thải bỏ... Tuy lượng CTNH sinh hoạt phát sinh không nhiều nhưng đây cũng là nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng.

Hiện nay, mức sống ngày càng phát triển, công nghệ máy móc được phát minh ngày một tân tiến, nên hoặc do bị hư hỏng hoặc nhu cầu thay đồ mới, lượng chất thải điện tử, điện dân dụng như tivi, quạt điện, máy giặt, tủ lạnh, máy tính bàn, đồ dân dụng... thải ra ngày càng tăng.

Tivi là thiết bị điện tử thải bỏ lớn nhất với khoảng 140 nghìn tấn (năm 2018) và 150 nghìn tấn (năm 2019); tủ lạnh khoảng 115 nghìn tấn vào năm 2019; máy giặt khoảng 50 nghìn tấn và điều hòa trên 10 nghìn tấn vào năm 2019.

Theo ước tính của Công ty Môi trường đô thị Hà Nội, đến năm 2020, cả nước có khoảng 4,8 triệu tivi, 1,4 triệu máy tính, 2,3 triệu tủ lạnh, 873 nghìn điều hoà nhiệt độ và 2,6 triệu máy giặt thải bỏ.

Tính đến cuối tháng 6/2018, Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) đã thẩm định cấp phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại cho 48 doanh nghiệp với khoảng 110 cơ sở xử lý CTNH đã được Bộ TN&MT cấp phép xử lý. Theo thống kê của Tổng cục Môi trường, tỷ lệ CTNH được thu gom, xử lý đúng quy định đạt khoảng 75%.

Như vậy, vẫn còn 25% lượng CTNH chưa được thu gom, xử lý đúng quy định, tồn lưu ngoài môi trường tự nhiên. Nhất là hiện, hầu hết CTNH sinh hoạt chưa được thu gom, xử lý riêng mà bị thải lẫn và đưa đến bãi xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Việc chôn lấp xử lý chung này ảnh hưởng đến quá trình phân hủy rác và hoà tan các chất nguy hại vào nước rỉ rác.

Hiện có 3 nhóm công nghệ xử lý CTNH đang được áp dụng: nhóm công nghệ nhiệt để tiêu hủy chất thải; nhóm công nghệ chôn lấp để xử lý chất thải và nhóm công nghệ tái chế chất thải. Tất nhiên mỗi nhóm công nghệ xử lý đều có những ưu, nhược điểm về mặt kinh tế và môi trường.

Ở Thừa Thiên Huế, việc xử lý rác thải nguy hại được tỉnh quy hoạch tại các khu phức hợp xử lý chất thải rắn, trong đó có khu xử lý CTNH đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật quy định. Đơn cử Khu xử lý chất thải rắn tập trung Phú Sơn với quy mô 56ha đã bố trí diện tích 5,12ha phục vụ xây dựng khu xử lý CTNH sẽ được đầu tư xây dựng vào năm 2020.

Hiện nay, Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế đã cơ bản đảm bảo các điều kiện tổ chức thu gom và xử lý CTNH. Vấn đề là các địa phương, đơn vị cần xây dựng phương án hình thành và mở rộng các điểm gom, vị trí thu gom CTNH như bóng đèn, pin và các CTNH có tính tương tự để người dân thuận tiện thực hiện, cũng như đơn vị dịch vụ thu gom xử lý đảm bảo quy định.

Bài, ảnh: Hoài Nguyên