Trong quá trình phát triển hiện nay, nhu cầu vật liệu xây dựng trên thị trường ngày càng lớn. Đó không chỉ là sắt thép, xi măng mà còn nhiều loại vật liệu chủ yếu khai thác tại chỗ như cát, sạn, đá dăm, gạch nung.

Trước đó, câu chuyện gạch nung từng gây bức xúc dư luận khi gây ô nhiễm môi trường và cạn kiệt nguồn đất sét. Lời giải cho gạch nung cũng đã có hướng giải quyết khi Bộ Xây dựng, tỉnh có những chính sách khuyến khích đầu tư trong sản xuất gạch không nung và đưa vào quy chuẩn trong thiết kế, sử dụng, quyết toán các công trình sử dụng ngân sách Nhà nước. Hay chất thải trong khai thác, chế biến đá xây dựng cũng có các giải pháp kỹ thuật để tận thu, đưa vào sử dụng trong các công trình giao thông, xây dựng, giảm áp lực sử dụng cát sạn tự nhiên, đem lại nguồn thu lớn cho các doanh nghiệp.

Riêng nguồn thay thế cát sạn tự nhiên hiện vẫn là vấn đề nan giải. Chẳng thế mà việc khai thác cát sạn trên sông Hương, sông Bồ, Ô Lâu… thời gian qua trở nên nhức nhối. Một số doanh nghiệp lợi dụng giấy phép khai thác ồ ạt bất chấp hậu quả đối với môi trường, gây sạt lở bờ sông, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người dân; thậm chí tiếp tay cho khai thác cát sạn lậu, vi phạm pháp luật.

Đi đôi với phát triển, nhiều công trình mới được xây dựng thì cũng không ít công trình cũ bị phá bỏ, thải ra một lượng lớn phế thải vật liệu xây dựng. Chưa kể, ngay với công trình xây dựng mới vẫn có một lượng không nhỏ phế thải. Điều này ai cũng thấy rõ, nếu từng xây dựng nhà ở cá nhân. Trong quá trình xây dựng không biết bao nhiêu xe phế thải được chở ra khỏi công trình. Nhưng nếu hỏi phế thải xây dựng sẽ đổ ở đâu, chẳng chủ nhà nào trả lời được, tùy thuộc vào chủ xe!

Không có bãi đổ, không có nơi xử lý phế thải xây dựng là hiện trạng gây nhức nhối môi trường ở hầu hết các địa phương, nhất là các vùng đô thị đang phát triển. Chỉ cần dạo một vòng quanh khu quy hoạch Đại học Huế ở Trường Bia chúng ta sẽ thấy rõ điều này. Việc xóa điểm nóng đổ trộm phế thải ở đây dù chính quyền địa phương và Đại học Huế có nhiều nỗ lực, nhưng chưa biết khi nào giải quyết được triệt để.

Lời giải cho xử lý phế thải xây dựng được mở ra từ câu chuyện của doanh nghiệp Long Tường. Tức là phế thải xây dựng đã có “địa chỉ” tập kết, xử lý thành vật liệu có ích như gạch không nung, đá đúc, cát xây, cát tô và đất dùng san lấp mặt bằng, trồng cây. Không những thế, nhiều loại phế thải khác như thủy tinh, nhựa đường, phế thải mỏ đá cũng sẽ được xử lý thành những sản phẩm hữu ích.

Vấn đề còn lại là cần có cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Chỉ khi mạng lưới chế biến phế thải phủ khắp địa bàn, thậm chí đến tận chân các công trình phá dỡ lớn như Công ty cổ phần Dịch vụ sản xuất Toàn Cầu ở Hà Nội đã áp dụng thì phế thải sẽ không còn là gánh nặng mà trở thành tài nguyên hữu ích. Lợi ích kép ở đây là vừa giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường vừa tạo nguồn vật liệu thay thế cát sỏi lòng sông, nhất là khi tỉnh đã có chủ trương năm 2020 sẽ chấm dứt khai thác cát sỏi trên sông.

Hoàng Minh