Đoàn viên thanh niên TP. Huế dâng hương tại Nhà lưu niệm Bác Hồ ở làng Dương Nỗ

Gần gũi, sinh động

Trong hai ngày tổ chức lớp học kỹ năng sống cho thanh thiếu nhi vào đầu tháng 7 này, Đoàn phường Hương Chữ (TX. Hương Trà) dành riêng một buổi cho hoạt động “Về nguồn” bằng việc đưa các em đến thăm các điểm di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh như: Bảo tàng Hồ Chí Minh, Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Dương Nỗ (Phú Vang)…

Em Nguyễn Châu Anh, một thành viên trong đoàn chia sẻ: Mỗi địa điểm tham quan gợi cho em những cảm xúc khác nhau. Khi về làng Dương Nỗ, được tham quan ngôi nhà giản dị gắn bó với tuổi ấu thơ của Bác Hồ, em thấy thật ấm áp và gần gũi. Chuyến đi là động lực để chúng em học tập, rèn luyện tốt, xứng danh cháu ngoan Bác Hồ”.

Anh Hà Cảnh Kiêm, Bí thư Đoàn phường Hương Chữ cho biết, vào ngày Thương binh-Liệt sĩ 27/7 tới, Đoàn phường tiếp tục tổ chức buổi gặp mặt, giao lưu kể chuyện giữa các cựu chiến binh và đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trên địa bàn phường. “Những câu chuyện kể về khí thế sục sôi của lớp lớp thanh niên xung phong lên đường ra trận, những câu chuyện thắm tình đồng đội, những khó khăn, gian khổ nhưng rất đáng tự hào trong quãng đời quân ngũ... của các cựu chiến binh là những trang giáo án sinh động, giáo dục cho các em lý tưởng sống cao đẹp, để tạo động lực, niềm tin cho người trẻ hôm nay tiếp bước”, anh Kiêm tin tưởng.

Có rất nhiều cách làm hay được Thị đoàn Hương Trà tổ chức để định hướng cho đoàn viên, thanh thiếu nhi sống có mục đích, có niềm tin. Hội trại huấn luyện Nguyễn Khánh Toàn được Thị đoàn Hương Trà tổ chức hàng năm đã hun đúc thêm tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho nhiều bạn trẻ. Tham gia hội trại, các ĐVTN được hòa mình vào những ngày tháng lịch sử hào hùng của dân tộc thông qua các trò chơi lớn: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Chân trần - chí thép”, lửa trại “Bản hùng ca mùa xuân”; “Điện Biên Phủ – Thiên sử vàng chói lọi”... Nguyễn Quang Phúc, đoàn viên phường Tứ Hạ cho biết: “Được trải nghiệm trong các trò chơi lớn, tôi phần nào cảm nhận được những khó khăn, gian khổ của thế hệ cha ông đi trước. Đó cũng là động lực để tôi làm tốt hơn công việc hiện tại của mình, tích cực tham gia hoạt động tình nguyện hơn nữa”.

Cuộc thi viết “Em kể chuyện Đồi thịt băm - A Bia”; cuộc thi ảnh và phóng sự “Ký ức Chiến thắng Đồi thịt băm - A Bia”; trò chơi lớn “Hành trình đến với A Bia”… được Huyện đoàn A Lưới tổ chức tháng 5 vừa qua và đã thu hút hàng nghìn học sinh, ĐVTN trên địa bàn huyện tham gia. Các bài viết đã thể hiện những cảm nhận, tình cảm, lòng tự hào của các em học sinh trước truyền thống của quê hương A Lưới và chiến thắng Đồi thịt băm lịch sử. Nhiều bài viết đã thể hiện nhận thức của các em đối với vai trò, trách nhiệm của thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng quê hương A Lưới.

Không chỉ giáo dục truyền thống qua các hoạt động “Về nguồn”, tìm hiểu Di chúc của Bác trên mạng internet, Thành đoàn Huế còn tổ chức Ngày hội “Tôi yêu Tổ quốc tôi” với những màn dân vũ, đồng diễn flashmob sôi động qua những bài hát về tình yêu quê hương đất nước, tạo khí thế hào hùng nhưng rất năng động, trẻ trung, thu hút nhiều ĐVTN tham gia.

Làm mới để tăng hiệu quả

May mắn được sinh trưởng trong thời bình, điều kiện sống không ngừng được nâng cao, nhưng khi mạng xã hội bùng nổ và internet len lỏi vào mọi “ngóc ngách” của cuộc sống, cũng là lúc thanh, thiếu niên dễ bị sa ngã vào những thói hư, tật xấu. Vì vậy, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh, thiếu niên luôn là nhiệm vụ quan trọng đặt ra.

Anh Nguyễn Duy Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn cho hay, để giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” trong giới trẻ, hoạt động thăm, tặng quà các gia đình chính sách khó khăn, thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng được các đơn vị Đoàn lồng ghép trong tất cả các phong trào lớn như: “Tình nguyện mùa hè xanh”, “Tình nguyện mùa Xuân”, “Tình nguyện mùa Đông”... Riêng chương trình “Thắp lửa truyền thống - Sáng mãi niềm tin” với chuỗi các hoạt động: Thắp đuốc tiếp lửa truyền thống cho thế hệ trẻ; dâng hương và thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ trên từng phần mộ; tặng quà cho các gia đình chính sách, tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi... được Tỉnh đoàn tổ chức hàng năm vào Ngày Thương binh-Liệt sĩ.

Giáo dục truyền thống, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ không phải ngày một ngày hai, mà hoạt động này cần phải làm thường xuyên, bền bỉ với những hình thức, nội dung, cách làm sáng tạo, hấp dẫn mới có thể lôi cuốn được đông đảo thanh, thiếu niên tham gia tự nguyện, nhiệt tình. Điều đó đòi hỏi mỗi gia đình, cả xã hội và nhất là tổ chức đoàn, hội, đội phải nỗ lực để thích ứng với tình hình mới, cũng như đáp ứng nhu cầu đa dạng và yêu cầu ngày càng cao của thanh, thiếu niên.

Bài, ảnh: HẢI THUẬN