“Tên của thằng cháu nội tui là có ý của nó, bà nờ!”- Bà nội bị cáo Thương thấy mẹ bị cáo Dương cùng cảnh ngộ già nua vẫn một mình đến phiên tòa bới xách đồ “tiếp tế”, nên khẽ khàng tâm sự. Khi cháu nội út mới lọt lòng, cũng là lúc con dâu bà rời bỏ cuộc sống. Ôm đứa con tội nghiệp, người cha đặt tên nó là Thương. Những người trong gia đình muốn dồn hết tình yêu thương cho đứa trẻ mồ côi mẹ từ lúc còn trứng nước. Vậy nhưng người cha một mình nuôi ba đứa con thơ dại, cảnh nhà túng bấn càng túng hơn. Họa vô đơn chí, thời gian sau, cha Thương đổ bệnh, ngày càng nặng phải nằm một chỗ. Thương bữa đói bữa no, học hành không đến nơi đến chốn, lang thang, la cà với đám bạn xấu. Dính ma túy, Thương trở thành con nghiện, bị đưa vào trường giáo dưỡng. “Được ra chưa bao lâu, hắn nói với tui, bữa ni hắn đi bán “một thứ” kiếm được nhiều tiền lắm. Tui mừng. Không mong hắn kiếm được nhiều tiền, chỉ cần thằng cháu buôn bán làm ăn đàng hoàng, cả nhà cũng bớt lo, bớt khổ”. Niềm vui của bà nội Thương mới nhóm lên đã tắt ngúm hôm Thương bị bắt. Lúc đó, bà mới biết cháu nội bán ma túy. Không biết bao nhiêu lần, nhìn con trai bệnh tật, lại nghĩ cảnh không sống nổi đến ngày cháu ra tù, bà lão tuổi gần đất xa trời ngồi bó gối khóc thầm.

 

Phạm tội mua bán trái phép ma túy, các bị cáo Nguyễn Văn Thương, Lê Xuân Phúc, Đoàn Trấn Hùng, Hoàng Anh Kiệt, Nguyễn Trùng Dương “dắt” nhau ra trước vành móng ngựa. TAND TP Huế phạt Thương 8 năm tù; Phúc, Hùng, Kiệt mỗi bị cáo 7 năm tù; Dương 3 năm 6 tháng tù.

Mẹ bị cáo Dương đưa tay quệt nước mắt. Nghe chuyện người, nhưng có lẽ bà đang nghĩ đến đứa con trai tội lỗi. Rồi đau. Cuộc đời bà cũng cơ cực. Chồng mất sớm, một mình “thân cò” lặn lội nuôi hai con. Cũng cảnh không học hành, không chữ nghĩa, Dương chỉ biết làm thuê làm mướn. Cô chị đi lấy chồng, Dương cũng lấy vợ. Người mẹ tưởng đã vơi đi lo toan. Nhưng cuộc sống quá thiếu thốn khiến vợ Dương bỏ đi. Một ngày, Dương khoe với mẹ sắp buôn bán kiếm được nhiều tiền, sẽ cưới vợ. Đến lúc Dương bị bắt vì buôn bán ma túy, bà mới bổ ngửa. Cái thứ chết người đó, bà nghe người ta nói mãi trên ti vi. Bà cứ nghĩ “nó” xa xôi ở đâu, sao “dính” tới cuộc sống gia đình của bà được. Ấy vậy mà, chính đứa con trai của bà lại dính vào, để bây giờ bị bắt, bị tù tội. Cảnh nhà càng thêm khốn khổ. Mỗi ngày, người mẹ già đi hái rau má dọc các bãi đất hoang. Đồng tiền ít ỏi mồ hôi nước mắt ấy, phần ăn dè sẻn, phần chắt chiu mua chút đồ hàng tháng thăm nuôi đứa con ngồi trong trại.

 

Chiếc xe bít bùng của công an đỗ xịch khiến câu chuyện loang lổ nước mắt của hai bà lão dang dở. Cả hai chậm chạp đứng dậy, ngóng ánh mắt bồn chồn. Suốt phiên tòa, mỗi lần đến lượt bị cáo Thương và bị cáo Dương ra sau vành móng ngựa, hai bà lão dường như nín thở. Những người mẹ, người bà tội nghiệp thầm cầu khấn cho con, cháu mình được giảm án ngày nào hay ngày đó. Trước hành vi phạm tội của các bị cáo rất nguy hiểm cho xã hội. Phiên tòa phúc thẩm cũng không có tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nào mới. Phiên tòa kết thúc. Bà nội Thương vừa khóc vừa lủi thủi ra cổng bắt xe thồ. Mẹ Dương được một người dự khán thương tình chở về giúp. Giá như con cháu họ biết vượt qua hoàn cảnh, sống cuộc sống của một người lương thiện bình thường, không dính đến “thứ chết người”, thì đâu đến nỗi bản thân họ bị lao tù, còn khiến những người mẹ, người bà tuổi đã gần đất xa trời vẫn nặng gánh âu lo.