Ý thức bảo vệ môi trường của người dân góp phần giảm áp lực từ rác thải. Ảnh: Đăng Tuyên

Chưa "trôi tròn"

Từ năm 2018, giá dịch vụ thu gom rác thải sinh hoạt tại các hộ gia đình, hộ kinh doanh được áp dụng theo Quyết định 94 của UBND tỉnh. Mức giá này được điều chỉnh tăng hằng năm theo lộ trình đến năm 2022.

Mặc dù phương án tăng giá được điều chỉnh theo lộ trình kéo giãn 5 năm (2018-2022) được cho là phù hợp với thu nhập của người dân và giảm dần việc bù ngân sách cho hoạt động thu gom, vận chuyển, song nhiều ý kiến vẫn chưa đồng tình khi cho rằng mức áp giá này còn thiếu cơ sở, chưa đồng đều và chất lượng dịch vụ thu gom vận chuyển chưa tăng tương xứng.

Ông Hoàng Thiên, ở KQH Bàu Vá 1, phường Thủy Xuân (TP. Huế) phàn nàn: "Dân cư đông đúc, nhà ở san sát, nhưng nếu thu gom rác ngày cách ngày sẽ rất khó đảm bảo dọn sạch. Nhân viên vệ sinh mới chỉ "gom" rác của các hộ dân để sẵn chứ chưa dốc lòng quét dọn, vệ sinh, nên lề đường, vỉa hè lúc nào cũng tồn rác".

Đối tượng thuộc hộ kinh doanh cho rằng, mức tăng này chưa thuyết phục, chưa có cơ sở để đảm bảo tính đồng đều, công bằng khi cùng áp mức phí như nhau.

Bà Hồ Thị Khánh Ngọc, phường Hương Văn, TX. Hương Trà chia sẻ: "Gia đình tôi đóng phí theo diện hộ kinh doanh mặt tiền nhóm 2 với mức 53.000 đồng/tháng của năm 2018 lên 72.000 đồng/tháng của năm 2019. Thay vì cùng là hộ mặt tiền nhưng không kinh doanh chỉ đóng 23.000 đồng/tháng (năm 2018) và tăng lên 38.000 đồng/tháng năm 2019, trong khi trường hợp gia đình tôi chỉ mở quầy văn phòng phẩm nhỏ lẻ bán vài cuốn sách, cây bút, khăn... thì lấy đâu ra rác để xả mà lại áp mức giá cao hơn gần gấp đôi".

Nhiều ý kiến đề xuất, cơ quan chức năng cần xem xét lại để phân biệt cụ thể loại hình kinh doanh nào phát thải lượng rác bao nhiêu để tính toán mức thu hợp lý, tránh gây thiệt thòi cho người này nhưng được lợi cho hộ kia. Đồng thời, cần điều tra số nhân khẩu trong từng hộ gia đình, vì giữa các hộ sẽ có số nhân khẩu chênh lệch nên lượng rác thải ra khác nhau. Nếu áp giá "cào bằng" sẽ càng làm tăng tính ỷ lại, thiếu ý thức trách nhiệm giữ sạch vệ sinh môi trường ở từng hộ dân.

Xem xét tăng tần suất, phương tiện thu gom

Theo ông Trần Hữu Ân, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế (MTĐT Huế), thời gian qua, cùng với các cơ quan, đơn vị, địa phương và cộng đồng dân cư, đơn vị đã tích cực huy động nhân lực, phương tiện duy trì thường xuyên hoạt động Ngày Chủ nhật xanh. Nhờ đó, nhiều khu vực ô nhiễm, nhếch nhác do rác thải đã được khắc phục, trả lại cảnh quan đường phố, khu dân cư, ao hồ, sông... thông thoáng, sạch đẹp.

Hiện đại hóa hoạt động thu gom, vận chuyển sẽ nâng cao hiệu quả dịch vụ vệ sinh môi trường

Đến nay, Công ty MTĐT Huế tổ chức vệ sinh, thu gom rác trên 27 phường của TP. Huế với chiều dài 510 km, đạt tỷ lệ thu gom 96%. Ngoài ra, đơn vị còn trực tiếp thu gom vận chuyển xử lý cho một số phường của TX. Hương Thủy, Hương Trà và một số huyện lân cận.

Đối với địa bàn TP. Huế, tần suất thu gom 1 ngày/lần đối với các tuyến đường chính, kiệt khu vực trung tâm chiếm 52,23% tổng chiều dài; tần suất thu gom 2 ngày/lần và quét rác tần suất 2-4 ngày/lần chiếm tỷ lệ 47,77% tổng chiều dài thu gom.

Ông Trần Quốc Khánh, Tổng Giám đốc Công ty MTĐT Huế cho rằng, muốn tăng tần suất thu gom, địa phương hợp đồng đặt hàng phải tăng ngân sách chi trả cho đơn vị được giao hợp đồng thu gom vận chuyển. Có nghĩa, chính quyền địa phương cần tính toán, cân đối chi ngân sách hợp lý, hiệu quả trong việc tăng khối lượng, tăng tần suất thu gom.

Tuy nhiên, để đáp ứng phục vụ tốt nhất nhiệm vụ thu gom, làm sạch vệ sinh môi trường, công ty đã khảo sát và đề xuất TP. Huế ưu tiên tăng tần suất thu gom từ 2 ngày/lần lên 1 ngày/lần đối với những nơi có mật độ dân cư tập trung đông đúc, đảm bảo hài hoà giữa bài toán ngân sách và nhu cầu.

Vì phải hiểu rằng, như trường hợp TP. Huế, với số tiền thu dịch vụ thu gom vận chuyển rác năm 2019 nếu thu đủ theo kế hoạch chỉ đáp ứng được khoảng 40% chi phí thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố, 60% còn lại phải lấy từ ngân sách để chi trả cho người dân. Do đó, nhiệm vụ công ích này cần sự đóng góp về ý thức cũng như công sức của toàn dân để bảo vệ môi trường xanh, sạch, không rác thải.

Là đơn vị chủ lực làm nhiệm vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt với hơn 450 tấn/ngày, chiếm trên 80% tổng lượng rác toàn tỉnh, Công ty MTĐT Huế đang tiếp tục hiện đại hoá phương tiện, thiết bị thu gom, vận chuyển rác. Trong đó, thay thế dần phương tiện thủ công thành cơ giới và đầu tư thêm phương tiện vận chuyển đa năng. Công ty dự kiến trang bị mới container tự ép rác động cơ điện thay thế dần container trần để tăng cường chất lượng vệ sinh và hiệu quả vận chuyển.

Theo Quyết định 94 của UBND tỉnh, mức giá dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt hằng tháng tăng bình quân hơn 50% mỗi năm (giai đoạn từ 2018-2022). Theo đó, địa bàn TP. Huế, đối với hộ không kinh doanh ở mặt tiền lần lượt có mức đóng tương ứng: 30 nghìn đồng, 48 nghìn đồng, 66 nghìn đồng, 83 nghìn đồng và đến năm 2022 là 100 nghìn đồng; hộ không kinh doanh ở kiệt, ngõ có mức đóng từ 24 nghìn đồng, 39 nghìn đồng, 53 nghìn đồng, 68 nghìn đồng và 83 nghìn đồng vào năm 2022. Hộ kinh doanh ở TP. Huế có mức đóng năm 2019 cao nhất là 140 nghìn đồng (hộ mặt tiền, nhóm 1), thấp nhất  84 nghìn đồng (hộ kiệt, ngõ, nhóm 2). Địa bàn các huyện, thị xã vùng đồng bằng đối với hộ không kinh doanh có mức tăng trung bình mỗi năm từ 11- 15 nghìn đồng và hộ kinh doanh tăng trung bình từ 14- 28 nghìn đồng.

 Bài, ảnh: Hoài Thương