Mẹ đã suýt soát 80 tuổi, lưng đã còng. Mẹ tôi lại bị bệnh về xương khớp, hầu như năm nào cũng phải châm cứu một đợt dài. Cô em gái tôi sống cạnh nhà ba mẹ lại đang đi công tác. Vậy để lo một bữa ăn cho mười mấy người thật quá nặng nhọc so với sức khỏe và tuổi tác của mẹ. Tôi gợi ý, ba mẹ cứ mời mấy bác ra nhà hàng luôn cả hai bữa cho “gọn nhẹ”, có tốn kém hơn một chút nhưng mẹ đỡ vất vả. Thế nhưng mẹ nói, không phải mẹ tiết kiệm tiền, mà mẹ muốn niềm vui của ba được trọn vẹn nhất. Bởi bữa ăn ở nhà hàng dù thức ăn có ngon đến đâu cũng không có không khí ấm áp như bữa ăn gia đình. “Được ngồi trò chuyện thoải mái với bạn bè quanh mâm cơm ấm cúng, trong ngôi nhà của mình, chắc chắn ba các con vui lắm. Để ba vui, có vất vả mẹ cũng ráng, chuẩn bị từ từ rồi cũng xong thôi”.

Ba mẹ tôi luôn quan tâm đến nhau, cùng chia sẻ mọi nỗi buồn, vui. Nhưng tôi vẫn bị “bất ngờ” vì cách mà mẹ nghĩ cho “đối phương” chu đáo, sâu sắc đến “tận cùng” từng chi tiết. Có lẽ chính vì vậy ba mẹ tôi mới nắm tay nhau vượt qua mọi khó khăn để hạnh phúc ngọt ngào cho đến bây giờ, dù mắt không còn tinh, tai không còn rõ, tuổi tác đã vượt xa ngưỡng “xưa nay hiếm”. Cách yêu thương và mang đến yêu thương cho nhau để nuôi dưỡng tình vợ chồng bền chặt của những người như ba mẹ tôi thật đáng trân trọng, đáng để lớp con cháu noi theo. 

Quỳnh Anh