Người trưởng thành chọn học vẽ để cân bằng cuộc sống

Trong một lớp học mỹ thuật vắng lặng, xen giữa những gương mặt “tuổi teen” là một phụ nữ trưởng thành. Chị Anh Thư (39 tuổi, trú tại phường Phú Nhuận, TP. Huế), người học viên lớn tuổi hơn cả giáo viên đang chăm chú quan sát một chiếc đèn dầu cầm tay cách đó vài mét. Chị cẩn thận phác thảo những nét chì nhạt đầu tiên trên trang giấy vẽ để tránh bị lỗi và dễ sửa. Có lúc, chị lặng người như đang hình dung cấu trúc trừu tượng của sự tương phản trong các đường, hình dạng, bố cục và hình thức của vật mẫu. Sau đó, từng nét chì của chị chậm rãi nhưng đi đều và nhịp nhàng.

Chị chia sẻ, thuở còn nhỏ rất yêu thích môn hội họa nhưng điều kiện kinh tế không cho phép chị “mơ mộng”. Chị dần bị cuốn theo việc học, rồi những lo toan của cuộc sống để rồi bỏ lỡ niềm đam mê. Mãi đến bây giờ, khi điều kiện kinh tế đã ổn, chị muốn trở lại làm "giàu" đời sống tinh thần bằng cách đầu tư cho niềm đam mê dang dở.

Chị Thúy Hằng (34 tuổi, trú tại phường Phước Vĩnh, TP. Huế) học vẽ vì muốn khám phá thêm về bản thân. Chị theo học một lớp mỹ thuật cùng với các bạn sinh viên tại Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế. Chị bộc bạch: “Tôi muốn biết mình có thể vẽ hay không và khoảng thời gian vẽ là lúc tôi cảm thấy thư giãn tuyệt đối. Chính tôi cũng không biết vẽ có khó hay không, chỉ cảm thấy rằng được “chơi” với màu thật sự rất vui”. Ban đầu, chị tập vẽ tượng, rồi vẽ tĩnh vật bằng bút chì. Sau đó, chị được chuyển qua học bảng màu và cách phối màu. Những bức tranh đầu tiên của chị ra đời đã đánh dấu những lần tìm đến tầng sâu của nội tâm.

Theo những người học, mỹ thuật không đơn giản chỉ là vẽ vời hay chỉ là một môn học năng khiếu, mà nó bao hàm ý nghĩa về sự miêu tả cái đẹp, cảm nhận và gợi mở trí tưởng tượng để thể hiện bản thân. Đa số cho rằng, dù có thể không trở thành họa sĩ, nhưng việc được hòa mình vào giấy, bút và màu sắc khiến họ được trở thành họa sĩ trong tâm hồn, cảm nhận được cuộc sống đa sắc màu.

Anh Ngô Thế Trường Sanh, người sáng lập Tổ hợp kiến trúc – nghệ thuật Noron (TP. Huế), cho hay, có khoảng 10% số học viên theo học các lớp hội họa ở đây là người trưởng thành. Buổi học đầu tiên sẽ là buổi kiểm tra năng lực bằng cách cho học viên vẽ tự do theo bản năng. Sau đó, dựa vào khả năng và mong muốn của người học mà giáo viên sẽ có định hướng giảng dạy riêng cho từng người.

“Người trưởng thành học vẽ vì cảm thấy thoải mái, được thỏa sức sáng tạo và thông qua đó có thể truyền tải thông điệp, thể hiện cái tôi cá nhân. Đa số người trưởng thành học vẽ vì sở thích, một số khác học để phục vụ công việc. Trước đây, có một học viên tham gia học vẽ để có thể hoàn thiện hơn trong việc chạm khắc, sơn mài các chi tiết, hoa văn độc đáo mang đậm bản sắc dân tộc Việt trên những đôi giày gỗ mộc”, anh Sanh chia sẻ.

Dù là ở lứa tuổi nào, việc sống với đam mê, thực hiện sở thích của bản thân cũng là điều đáng trân trọng. Các bức tranh cũng như là nhật ký của người vẽ, khác ở chỗ là họ dùng hình ảnh để truyền tải ý niệm.

Bài, ảnh: Phước Ly