Khánh thành Nghĩa trang liệt sĩ xã Thủy Châu

Từ năm 2012 đến nay, Hương Thủy được biết đến là địa phương đầu tiên của tỉnh tổ chức những chuyến điều dưỡng ngoại tỉnh, từ Nha Trang, Đà Nẵng, Quảng Nam cho đến Nghệ An… nhằm giúp các các đối tượng chính sách có thêm cơ hội được gặp mặt, thăm hỏi bà con, bạn bè, đồng đội với chế độ “xoay tour” một người 2 năm sẽ đi một lần.

“Điều dưỡng ngoại tỉnh là hoạt động rất thiết thực, giúp chúng tôi có cơ hội gặp gỡ, thăm hỏi bà con, đồng đội cũng như từ những chuyến đi xa, được thăm thú nhiều danh lam thắng cảnh của đất nước, tinh thần, sức khỏe chúng tôi cải thiện rõ rệt”. Ông Nguyễn Thanh Hải, xã Thủy Vân, thương binh hạng ¾ chia sẻ.

Còn với bà Chế Thị Hoa (xã Thủy Thanh, thương binh hạng ¾), ngoài việc được thăm thú nhiều nơi, được chăm sóc chu đáo về nơi ăn chốn nghĩ làm bà nhắc mãi. “Người già chăm sóc đã khó, huống hồ là thương binh như chúng tôi. Trong suốt hành trình, mọi thứ đều được lo chu đáo, cẩn thận khiến tôi cảm giác như đang ở nhà”, bà Hoa nói với niềm vui hiện rõ trên gương mặt. Lần đầu tổ chức, số đối tượng chính sách có tên trong danh sách điều dưỡng ngoại tỉnh là 20 người và tăng dần theo hằng năm. Vài năm gần đây, bình quân mỗi chuyến đi là 40 người.

“Địa bàn nhỏ, gọn, đối tượng chính sách không nhiều là thuận lợi của Hương Thủy trong việc xã hội hóa hoạt động tri ân anh hùng, liệt sĩ, người có công chứ thật ra, những hoạt động này cũng không hơn các nơi khác”. Bà Võ Thị Minh Thảo, Trưởng phòng Lao động, Thương binh & Xã hội TX. Hương Thủy, bộc bạch.

So sánh giữa những con số, đúng là bà Thảo nói không sai khi việc xây dựng đền thờ, nhà tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ ở các xã, phường: Thủy Thanh, Thủy Vân, Thủy Phương, Thủy Châu, Thủy Bằng, Thủy Phù và Thủy Tân với kinh phí chủ yếu là từ ngân sách của tỉnh và thị xã, còn phần xã hội hóa, mỗi nơi chỉ khoảng 100 triệu đồng.

Để xã hội hóa phần kinh phí nói trên là điều không đơn giản, bởi lẽ, người dân cho rằng, việc xây dựng các công trình tri ân anh hùng, liệt sĩ là trách nhiệm thiêng liêng của chính quyền, của Nhà nước. “Dẫu vậy, người dân và các doanh nghiệp trên địa bàn thị xã luôn sẵn sàng chung tay trong các phần việc liên quan đến mua sắm vật dụng dành cho lễ tiết, dọn vệ sinh, tu sửa, coi sóc nhà tưởng niệm, đền thờ… Ngoài vận động, ý thức, tình cảm của họ trong hoạt động này là điều mấu chốt và rất đáng trân trọng”. Bà Thảo chia sẻ.

Việc thành lập hồ sơ, cập nhật thông tin, chế độ, chăm sóc, thăm hỏi các đối tượng chính sách cũng được đánh giá kịp thời, đầy đủ. “Bên cạnh gần 4.900 đối tượng chính sách, hiện trên toàn thị xã có 8 Mẹ Việt Nam Anh hùng đang được phụng dưỡng. Không riêng lễ, tết, cứ một thời gian, các thành viên của Hội LHPN, ĐVTN… đều đến để giúp các mẹ dọn dẹp, tu sửa nhà cửa, các việc hiếu hỉ và cùng trò chuyện, chia sẻ”, bà Thảo cho biết.

Chuẩn bị cho dịp kỷ niệm ngày 27/7 năm nay, ngoài tổ chức các hoạt động, kêu gọi các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, doanh nghiệp và Nhân dân ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, chi điều dưỡng tại gia đình…, tới đây, Hương Thủy sẽ tổ chức truy tặng 10 danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng vừa được công nhận; phối hợp với doanh nghiệp sửa chữa nhà chính sách ở xã Thủy Thanh; tổ chức điều dưỡng ngoại tỉnh (Đà Nẵng) cho 40 đối tượng chính sách cũng như khánh thành Nghĩa trang Liệt sĩ tại xã Thủy Phù.

Bài, ảnh: Hàn Đăng