Mặc dù vẫn đang được các nước phát triển “nhòm ngó” và có hẳn một dòng vận chuyển rác thải nhựa bằng đường biển đến các nước đang phát triển, song gần đây, Đông Nam Á cũng đã có những động thái kiên quyết trong việc trả lại các container rác thải về nơi mà nó xuất phát. Chẳng hạn như trung tuần tháng 7 vừa qua, Campuchia thông báo sẽ gửi trả 1.600 tấn rác thải nhựa nhập khẩu bất hợp pháp, được chứa trong 83 container về Mỹ và Canada. Trước đó là những thông báo tương tự từ Indonesia, Malaysia, Indonexia, Philippines với những cái tên được nhắc đến là Pháp, Australia, Canada, Mỹ và một số nước phát triển khác.
Trong một diễn biến có liên quan, người ta có thể đọc được những thông tin về việc Trung Quốc – nơi có hơn 650.000 cái chết do ô nhiễm và chi phí để khắc phục hậu quả do ô nhiễm môi trường mỗi năm chiếm đến 3% GDP - đưa ra lệnh cấm nhập mọi loại rác thải nhựa từ cuối năm 2017, sau đó là các nước khác như Việt Nam, Malaysia và Thái Lan thì rác thải nhựa đã tìm cách để cập những bến mới ở Ghana, Ethiopia, Kenya, Senegan, Campuchia, Lào… Điều ấy cũng có nghĩa là, vẫn chưa có một giải pháp nào đó tốt hơn và vì thế, rác thải nhựa chỉ loanh quanh tìm đường để rời khỏi nơi mà nó đã xuất phát. Một giải pháp tình thế ở phạm vi rộng trong khi chưa có một giải pháp khả thi về sự thay thế vật liệu cũng như công nghệ tái chế và ý thức sử dụng đến từ con người.
Chưa phải là tất cả và chưa phải là hoàn toàn cấm việc tái chế loại rác thải nguy hại này, song với việc đạt được những thỏa thuận về việc sửa đổi Công ước Basel – một công ước toàn cầu về kiểm soát vận chuyển qua biên giới và tiêu hủy các phế thải nguy hiểm được ký kết vào ngày 22/3/1989 tại Basel (Thụy Sĩ) – 187 quốc gia thành viên đã thống nhất việc xây dựng thương mại toàn cầu về chất thải nhựa một cách minh bạch hơn, điều tiết tốt hơn. Đồng thời, những tác động tới môi trường và sức khỏe con người cũng được kiểm soát tốt hơn vào tháng 5/2019.
2,5 triệu tấn/năm là lượng chất thải nhựa, rác thải nhựa thải ra môi trường ở Việt Nam nếu 10% túi ni lông, chất thải nhựa sử dụng một lần không được tái chế lại là vấn đề được nêu lên bởi Vụ trưởng Vụ Quản lý chất thải - Tổng cục Môi trường – ông Nguyễn Thương Hiền. Dùng chính sách thuế và xem đó như là một chế tài hữu hiệu là góc nhìn từ cộng đồng, nhưng theo Bộ Tài nguyên - Môi trường, mức thuế với túi ni lông đã nâng 10.000 đồng/kg (từ 40.000 đồng/kg lên 50.000 đồng/kg) song vẫn chưa đạt được tác dụng do phải đối đầu với các cơ sở nhỏ lẻ. Vấn đề là các cơ sở này vừa chiếm số đông, lại là khu vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhất trong quá trình hoạt động của mình.
Phấn đấu đến năm 2021 các cửa hàng, các chợ, các siêu thị ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần, đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần là điều mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Lễ ra quân quốc gia chống rác thải nhựa cách đây hơn một tháng. Có lẽ, đây là một quyết tâm cần sự đồng lòng và trách nhiệm của từng gia đình. Điểm cộng là cùng với Thừa Thiên Huế với việc hạn chế rác thải nhựa, những ngày chủ nhật xanh, đã có thêm nhiều địa phương cùng nhập cuộc và đồng hành như Phú Yên, Quảng Nam, Khánh Hòa, Quảng Ninh… Đó là những hiệu ứng tích cực trước khi có giải pháp tốt hơn về hạ tầng, về chế tài.
Yên Minh