Giảng viên Khoa Giáo dục Thể chất hướng dẫn SV tham gia các trò chơi

Được quyền lựa chọn

TS. Nguyễn Gắng, Khoa trưởng Khoa Giáo dục Thể chất - ĐH Huế cho biết, trong năm học đầu tiên triển khai mô hình giảng dạy theo hình thức CLB, khoa dự kiến áp dụng trước tiên cho các môn bóng bàn, bóng chuyền, bóng rổ, sau đó tiếp tục mở rộng thêm các môn bóng đá, cầu lông, cờ vua bên cạnh môn bắt buộc là phương pháp tập luyện thể dục thể thao.

So với hình thức đào tạo trước đây cho đối tượng SV không chuyên về thể dục thể thao, hình thức mới cho phép người học tự đăng ký một môn thể thao theo sở thích và năng khiếu; đồng thời, được học xuyên suốt trong cả quá trình. SV không phải học nhiều môn thể thao và có thể đăng ký học chung giữa SV các lớp, các trường với giới hạn mỗi lớp không quá 40 SV.

“Em nghĩ mô hình mới này thuận lợi. Trước đây, SV phải học theo một chương trình được quy định. Điều này có điểm hạn chế là có một số môn học SV không thích hoặc không có điều kiện tốt nhất để đảm bảo kết quả, dẫn đến có trường hợp phải học lại. Khi thay đổi, SV có quyền lựa chọn môn học mà họ có thế mạnh và đam mê, từ đó phát huy được năng lực và tránh được tình trạng nhàm chán trong việc học”, Như Hòa, SV Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế đánh giá.

TS. Nguyễn Thế Tình, Tổ trưởng Tổ đào tạo - khoa học - hợp tác quốc tế Khoa Giáo dục Thể chất cho biết, chương trình đào tạo mỗi môn qua các học phần sẽ tăng từng cấp độ từ cơ bản đến nâng cao, nhằm phát triển khả năng tập luyện cho người học. Việc xây dựng riêng học phần phương pháp tập luyện thể dục thể thao mang tính bắt buộc giúp SV nắm bắt các phương pháp tập luyện, chuẩn bị thể lực, phòng tránh chấn thương trong quá trình tập luyện. Đây cũng là học phần đầu tiên, làm nền tảng để SV học tốt các môn thể thao trong các học phần tiếp theo.

Theo đại diện Khoa Giáo dục Thể chất, mô hình này tuy mới tại miền Trung song đã được áp dụng tại ĐH Quốc gia Hà Nội. Trước khi triển khai áp dụng, khoa đã xây dựng đề án và có nhiều hội thảo mời nhiều chuyên gia trong cả nước đến thảo luận, trao đổi. Việc xây dựng chương trình được tiến hành hơn 1 năm qua. Hiện, cơ sở vật chất và đội ngũ chuyên môn tại chỗ đều đảm bảo cho việc áp dụng mô hình mới.

Nhiều lợi ích

Không chỉ giúp SV giải quyết môn học bắt buộc theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về chương trình giáo dục thể chất, việc triển khai mô hình đào tạo thể dục cho SV theo cách làm mới còn tạo được thói quen tập luyện thể dục thể thao và môi trường tự thân tập luyện. “Mô hình đào tạo này khá cởi mở, như là nơi để SV vừa học vừa tập luyện thể dục thể thao nên SV dễ dàng theo đuổi, góp phần tăng số lượng người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên – một trong những tiêu chí quan trọng của phong trào thể dục, thể thao quần chúng”, đại diện Khoa Giáo dục Thể chất nói.

TS. Nguyễn Gắng chia sẻ, nhiều năm qua, ĐH Huế thiếu các đội tuyển mạnh tham gia các giải thể thao trong nước và quốc tế, vắng bóng trên các đấu trường lớn. Nhất là với đội ngũ SV không chuyên, việc phát hiện, bồi dưỡng phát triển tài năng của họ trong hình thức đào tạo lâu nay không dễ. Trái lại, với mô hình mới, xuyên suốt 4 năm học đào tạo và theo dõi, giảng viên dễ dàng tuyển chọn đội tuyển năng khiếu chất lượng, bởi số lượng SV ĐH Huế được đào tạo thể dục không chuyên mỗi năm lên đến hơn 15.000 SV. Điều này sẽ tạo thuận lợi để giải quyết bài toán đội tuyển năng khiếu tham gia các giải thể thao lớn.

Bài, ảnh: Hữu Phúc