Các quan chức chủ chốt của IMF trong một cuộc họp báo ở Santiago về triển vọng kinh tế thế giới, tháng 7/2019. Ảnh: Reuters
Theo IMF, các nguy cơ suy giảm đã gia tăng và hiện tổ chức này dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ ở mức 3,2% trong năm 2019 và 3,5% vào năm 2020, giảm 0,1 điểm phần trăm trong cả 2 năm so với dự báo hồi tháng 4 và là lần giảm thứ tư kể từ tháng 10/2018.
Song song đó, tăng trưởng kim ngạch thương mại toàn cầu cũng bị hạ 0,9% xuống còn 2,5% trong năm nay, nhưng có thể sẽ phục hồi và tăng lên 3,7% trong năm 2020 (thấp hơn khoảng 0,2 điểm so với dự báo trước đó). Thực tế, tăng trưởng kim ngạch thương mại đã giảm xuống khoảng 0,5% trong quý I/2019 - tốc độ chậm nhất kể từ năm 2012, với sự chậm lại chủ yếu ở các nước châu Á mới nổi.
Theo ước tính của Cục phân tích chính sách kinh tế Hà Lan (CPB), thương mại toàn cầu giảm 2,3% trong khoảng thời gian từ tháng 10/2018 tới tháng 4/2019, là mức giảm mạnh nhất trong 6 tháng kể từ năm 2009, khi thế giới đang ở giữa cuộc Đại suy thoái.
Trong một cuộc họp báo ở Santiago, Chile, nhà kinh tế trưởng của IMF Gita Gopinath cho biết “một trong những nguy cơ cốt yếu làm suy giảm triển vọng tăng trưởng vẫn là sự leo thang căng thẳng thương mại và công nghệ, vốn có thể làm gián đoạn đáng kể chuỗi cung ứng toàn cầu”. Trước đó, IMF từng dự báo rằng các chính sách áp đặt thuế quan của Mỹ và Trung Quốc trong năm 2018 và 2019 có thể làm giảm tổng sản lượng kinh tế thế giới 0,5% vào năm 2020.
Ngoài ra, những rủi ro đáng kể khác bao gồm sự suy giảm bất ngờ của Trung Quốc, thiếu sự phục hồi trong khu vực đồng euro, một Brexit không thỏa thuận và các căng thẳng địa chính trị leo thang.
IMF cảnh báo trong báo cáo hàng quý lần này rằng thuế quan của Mỹ-Trung Quốc, thuế ô tô của Mỹ hoặc Brexit không có thỏa thuận có thể làm xói mòn niềm tin, làm suy yếu đầu tư, gián đoạn chuỗi cung ứng và làm chậm nghiêm trọng tăng trưởng toàn cầu dưới mức cơ sở.
Đáng lo ngại, triển vọng thương mại yếu đang tạo ra những “cơn gió chướng” cho đầu tư, và tâm lý kinh doanh đặc biệt bi quan về các đơn đặt hàng mới, mặc dù tâm lý trong lĩnh vực dịch vụ đã có sự phục hồi, thúc đẩy việc làm và niềm tin của người tiêu dùng.
Những rủi ro khác, bao gồm sự gia tăng căng thẳng ở Vịnh Ba Tư trong những tháng gần đây và xung đột dân sự ở nhiều quốc gia làm dấy lên nỗi ám ảnh về chi phí nhân đạo, căng thẳng di cư ... và biến động gia tăng trên thị trường hàng hóa.
IMF cho biết tăng trưởng ở các nền kinh tế phát triển như Mỹ đã tốt hơn mong đợi, và các yếu tố điều tiết tăng trưởng một lần trong khu vực đồng euro đang phai mờ dần đúng như dự đoán. IMF đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ lên 2,6% vào năm 2019, nhưng vẫn giữ nguyên dự báo 1,9% cho năm 2020; trong khi không thay đổi dự báo tăng trưởng 1,3% cho khu vực đồng euro trong năm 2019 và nâng lên 1,6% cho năm 2020.
TỐ QUYÊN
(Lược dịch từ Reuters)