Một số đầu tư theo kiểu "chạy"

Câu chuyện về vi phạm nghiêm trọng xảy ra trong kỳ thi trung học quốc gia 2018 ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình là một ví dụ. Vụ việc gian lận vỡ lở khi nhiều em được nâng điểm cao ngất ngưởng, không đúng với thực chất. Bố mẹ các em đã bỏ ra tiền tỉ để “mua” cho được điểm cao, dùng ảnh hưởng quyền lực để chạy điểm cho con đủ vào các trường có tương lai. Mục tiêu là nhằm khi ra đời có việc làm an nhàn, thu nhập cao, nhiều bổng lộc. Với kết quả “sáng giá” đó đã cướp đi quyền lợi của những em có điểm thực chất nhưng bị loại  một cách oan uổng. Nghiệt nỗi những em có điểm cao lại là con em của cán bộ trong bộ máy công quyền, của lãnh đạo và con của những người giàu có. Người ta sẵn sàng bỏ ra một cục tiền (không thể nói đồng tiền lương thiện) để chạy điểm, nói đúng hơn là mua điểm. Đầu tư theo cách này chỉ làm hại tâm hồn non dại của thế hệ trẻ, tổn thương nền giáo dục nước nhà.

Những năm qua, quy định cán bộ, công chức muốn đề bạt cao hơn phải có bằng cấp tương ứng. Bên cạnh nhiều người đầu tư học hành chu đáo thì cũng xuất hiện tình trạng mua bằng cấp, chứng chỉ giả. Người ta sẵn sàng bỏ tiền ra mua bằng để “làm đẹp” cho hồ sơ cá nhân mà không cần kiến thức tương ứng. Có bằng cấp cao để đủ điều kiện chạy vào vị trí tốt, chức vụ cao, dĩ nhiên kèm theo nhiều quyền lợi hơn. Nếu trót lọt thì cái giá bỏ ra để chạy, để mua không thể so sánh được với chức vụ bổng lộc có được trong tương lai. Tính toán theo kiểu “bỏ con săn sắt, bắt con cá rô” là cách nghĩ như vậy. Bằng cấp không thực chất hoặc không tương ứng với tư duy, kiến thức khó mà nói làm việc có chất lượng. Lâu nay dư luận nói về một bộ phận cán bộ có học hàm, học vị nhưng không có phát minh, sáng chế cũng là từ nguyên nhân bằng cấp không thực chất.Thế nên mới có chuyện “đạo” luận văn khoa học, thuê người viết hoặc phải chi một khoản không nhỏ khi bảo vệ để mua cái gật đầu của người phản biện, của hội đồng khoa học. 

Những bản án kỷ luật trong việc đề bạt cán bộ thời gian vừa qua cho thấy cách tiến thân không chính đáng của một bộ phận “con ông cháu cha”. Những “hạt giống đỏ” không bao lâu trở thành “hạt lép”, nhanh chóng chết yểu khi mà bố mẹ dùng quyền để “bổ nhiệm non”, đốt cháy giai đoạn. Đó cũng là một cách mà người ta dùng quyền để bỏ qua những quy định, nguyên tắc của công tác tổ chức. Con em của lãnh đạo chiếm lĩnh các vị trí chủ chốt, ghế có màu mỡ sẽ không còn chỗ đứng cho những người có năng lực thực sự. Nói chính xác là đánh cắp chỗ đứng của những người có tư chất xứng đáng vào vị trí lãnh đạo. Ngoài ra, một số người chấp nhận bỏ tiền nhằm chạy chức bất chấp năng lực của bản thân. Khi đã tính toán đầu tư chức quyền, người ta sẵn sàng đạp bỏ mọi luân thường đạo lý, nguyên tắc tổ chức để có được quyền lợi cho mình. Chạy chức, chạy quyền sẽ làm thui chột ý chí, động cơ phấn đấu của những người có tâm huyết, có năng lực. Đó sẽ là hệ quả xấu cho công tác tổ chức sau này.

Đã "chạy" là không dùng

Nước ta đang bước vào một thời kỳ mới khi tham gia sâu rộng các hiệp định quốc tế và chuẩn bị cho Đại hội Đảng nhiệm kỳ mới, đòi hỏi đội ngũ cán bộ có hàm lượng chất xám cao, thực chất. Một số hiện tượng chạy như trên không phải phổ biến nhưng cũng là bộ phận không nhỏ trong đội ngũ cán bộ, công chức và người dân. Khi đã xác định mục đích, người ta sẵn sàng bỏ ra một khoản đầu tư để tính toán sau này sẽ có lợi gấp nhiều lần cho bản thân, bất kể đạo đức, pháp luật. Dù là chạy dạng nào cũng đều hướng tới có được chức quyền, có lợi ích riêng.

Chuẩn bị cho tương lai theo kiểu đó là đánh cắp quyền lợi chính đáng của người khác. Chúng ta khuyến khích, tôn trọng những người đầu tư bằng tư duy năng động, có tầm nhìn xa, vì lợi ích chung, với ước vọng vươn lên chính đáng. Nhưng kiểu chạy hay là đầu tư không trong sáng là tham nhũng vô hình, có thể gọi đó là tham nhũng tương lai.

Trong cuộc họp của Bộ Chính trị để chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương 10 (khóa XII) gần đây, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Kiên quyết chống chạy chức, chạy quyền, đã chạy là không dùng”. Chúng ta phải coi đó là hiện tượng không thể chấp nhận, cần phải được phê phán, loại bỏ trong giai đoạn hiện nay.

PHƯỚC KHÁNH