Chuối già lùn A Lưới vào hệ thống siêu thị Big C

Chưa nghiêm túc tuân thủ những ràng buộc về pháp lý, quy chuẩn do nhà phân phối đặt ra là một trong những rào cản khiến hàng hóa địa phương vào hệ thống siêu thị chưa nhiều.

Chưa dám "vượt rào"

Loay hoay suốt thời gian, một cơ sở sản xuất trà mướp đắng ở phường Thủy Dương (TX. Hương Thủy) vẫn chưa đưa sản phẩm vào được siêu thị Big C Huế. Lý do được đại diện cơ sở này cho biết là giấy tờ quá rườm rà. Chỉ riêng đi làm giấy chứng nhận đạt vệ sinh an toàn thực phẩm hay phiếu kiểm nghiệm, quay lui quay tới đã hết thời hạn, lại phải đi xin cấp một phiếu mới, trong khi sản phẩm chưa được sản xuất đại trà.

Đại diện cơ quan quản lý Nhà nước cũng thừa nhận những tồn tại, chi phí thực hiện các quy định về kiểm nghiệm một số sản phẩm nông sản, đặc sản Huế (theo quy định 6 tháng/lần/sản phẩm) để được tham gia vào hệ thống siêu thị khá cao, gây khó khăn cho các nhà cung cấp quy mô sản xuất nhỏ hoặc sản xuất nhiều mặt hàng. Việc áp dụng quy trình sản xuất, tiêu chuẩn tiên tiến vào nuôi trồng, chế biến sản phẩm nông sản, đặc sản của doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất trên địa bàn còn rất ít, dẫn đến nhiều sản phẩm chưa đáp ứng các quy định do các nhà phân phối lớn đề ra.

Hàng địa phương vào các siêu thị vẫn chỉ xoay quanh các mặt hàng tươi sống, số lượng nhỏ

Ngược lại, những "mối làm ăn" quen thuộc tại địa phương của các siêu thị lớn Big C, CoopMart lại đang "thuận buồm xuôi gió" khi vẫn duy trì đơn hàng cung ứng thường xuyên. Song, chủ yếu vẫn là mặt hàng tươi sống như thịt lợn, bò, trứng, rau và một số mặt hàng khô sản xuất quy mô nhỏ.

Hiện có 18 nhà cung cấp địa phương với gần 200 mã hàng đang phân phối tại siêu thị Big C Huế. Đơn cử: DNTN Rau an toàn Hoá Châu, HTX A Lưới, HTX SXKDDV Nông nghiệp Quảng Thọ 2, Trà cung đình Đức Phượng, Công ty TNHH Thiên Hương Nguyên, Công ty TNHH Nông nghiệp sạch Hoàng Mai, Hải Farm...

Tại siêu thị CoopMart Huế có 15 nhà sản xuất tại địa phương đang cung ứng khoảng hơn 150 mã hàng, như: Bia Huda, mắm Tấn Lộc, mắm Tâm Huế, trà vả Lộc Mai, trứng gà Chương Trang... Hàng vào các siêu thị chủ yếu là hàng tươi sống như rau, thịt lợn, thịt bò, sữa bắp và sản phẩm khô như trà truyền thống, mắm, ruốc, kẹo mè xửng...

Theo bà Võ Thị Thu Thủy, Giám đốc Siêu thị Big C Huế, doanh số bán ra tại siêu thị đối với hàng hoá địa phương chiếm 0,5% đã là tỷ lệ khá cao, cao hơn so với những siêu thị khác trong cùng hệ thống.

Nhưng nếu xét trên địa bàn tỉnh, với nhiều sản phẩm có ưu thế cạnh tranh trên thị trường, nhiều cơ sở sản xuất các sản phẩm ngành nghề, đặc sản có tiếng, thì con số nhà sản xuất, DN và lượng hàng, mặt hàng đưa vào các siêu thị vẫn còn quá khiêm tốn; chưa kể còn phải qua những khâu cung ứng trung gian.

Tư duy "ao làng"

Bà Võ Thị Thu Thủy khẳng định, yêu cầu hồ sơ đối với những DN vừa và nhỏ đưa hàng vào siêu thị Big C Huế được áp dụng theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn của Nhà nước quy định, phù hợp với sản phẩm và khách hàng địa phương, chứ đơn vị không đặt ra một quy chuẩn riêng hay mang tính khắt khe.

Tương tự, hàng hóa vào siêu thị CoopMart yêu cầu đảm bảo đầy đủ hồ sơ pháp lý, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Điểm yếu của DN, HTX hay các cơ sở sản xuất của địa phương là hoạt động mang tính nhỏ lẻ, cầm chừng. Chẳng hạn yêu cầu trong hồ sơ đối với "Phiếu kiểm nghiệm (về chỉ tiêu hoá lý, vi sinh và kim loại nặng) thời hạn trong vòng 1 năm" cũng khiến nhiều DN "nhụt chí", dù muốn đưa hàng vào siêu thị.

Trao đổi thực tế về vấn đề này, một số DN thừa nhận họ không mấy thiết tha, vì thứ nhất tốn kém chi phí để được xác nhận phiếu kiểm nghiệm hay xác nhận các loại giấy tờ đáp ứng tính pháp lý theo quy định của nhà phân phối, trong khi sản phẩm sản xuất chỉ mang tính thời vụ, số lượng không nhiều. Nên, nhiều cơ sở sẵn sàng chọn kênh phân phối bán lẻ khác như cửa hàng, chợ truyền thống...

"Nếu kể tên nhà cung cấp địa phương làm ăn bài bản, chúng tôi chỉ chấm điểm khoảng 2-3 đơn vị, như Đức Phượng, Thiên Hương... Còn lại đa phần còn "a-ma-tơ", chưa nghiêm túc tuân thủ luật chơi", bà Võ Thị Thu Thủy chia sẻ.

Nhiều cơ sở sản xuất chưa coi trọng cam kết với siêu thị, nhất là về sản lượng cung ứng. Vì thông hiểu được hạn chế về sản xuất bị động, theo thời vụ nên nhà phân phối còn "du di" và chưa hề áp dụng khái niệm xử phạt đối với DN nào.

Không chỉ hạn chế trong cam kết, nhà cung cấp địa phương còn chưa biết "chăm sóc", quảng bá sản phẩm của mình tại kệ hàng siêu thị để kỳ vọng sản phẩm được bán tốt, tiếp tục ra các cửa hàng, kênh phân phối lớn khác.

Ngay về giá cả, có những cơ sở do yếu tố mùa vụ, thời tiết nên lúc trái vụ, dịp lễ tết có sức tiêu thụ tăng thường đẩy giá lên.

Tất nhiên khi nhà cung ứng nâng giá thì siêu thị cũng áp giá theo tính dây chuyền và đối tượng chịu ảnh hưởng chính là người tiêu dùng. Trong khi, tâm lý người tiêu dùng tại địa phương đặc biệt quan tâm đến 2 vấn đề: đối với hàng khô phải có chất lượng tốt, giá rẻ; hàng tươi sống phải đảm bảo ngon, vệ sinh an toàn thực phẩm, khác lạ so với hàng bán tại chợ truyền thống.

Bài, ảnh: Hoài Thương

(còn tiếp)