Khu vực phía Bắc TP. Huế về đêm khá yên ắng. Ảnh: Đức Phúc

Chia sẻ tại diễn đàn “Phát triển du lịch và ẩm thực tại Huế” vào giữa tháng 6/2019, nguyên Phó Đại sứ Việt Nam tại Tây Ban Nha, ông Lý Đức Trung cho rằng, vẻ trầm lắng của Huế cực kỳ hấp dẫn. Đây cũng là nhận định của những ai muốn tìm sự thư giãn và trải nghiệm sống chậm.

Tuy nhiên, xét trên các yếu tố cho sự phát triển của điểm đến du lịch, chúng tôi nhận thấy, lượng khách lựa chọn khám phá, vui chơi và giải trí luôn chiếm tỷ lệ lớn hơn lượng khách thích sự trầm lắng. Xét trên phương diện phát triển kinh tế, cái chiếm đa số đóng vai trò quyết định chứ không phải cái thiểu số.

Điều này không có nghĩa buộc Huế phải thay đổi cách thức trong phát triển sản phẩm du lịch, làm mất đi cái riêng về sự trầm mặc, yên bình đang sở hữu. Tôi cho rằng, cái cần làm của Huế là “setup” (thiết lập, điều chỉnh) lại không gian để vừa không làm mất bản sắc, đưa sự khác biệt đó lên một tầm cao mới, vừa có sự phát triển cần thiết của một đô thị hiện đại, với đa dạng các dịch vụ vui chơi, giải trí, sự năng động cần có của điểm đến du lịch.

Dung hòa giữa truyền thống và hiện đại để hình thành một điểm đến hấp dẫn. Sông Hương đã chia TP. Huế ra hai khu vực Bắc và Nam, hai không gian để hình thành hai hình thái du lịch khác biệt.

Không gian bờ Nam, tất nhiên phải là hướng phát triển là đô thị du lịch hiện đại. Điều mà Huế đang tập trung thực hiện. Trong khi đó, không gian bờ Bắc yên bình, cổ kính đã là sự lựa chọn cho dòng khách thích sống chậm với văn hóa, di sản.

Với bờ Bắc, để phát triển du lịch không thể dừng lại như thế. Những hoạt động văn hóa truyền thống cần được tập trung khai thác. Điều cần được bàn tới là trong khi Thành Nội vẫn còn quá yên ắng, các không gian du lịch vẫn đang còn “ngủ quên”, nhiều hoạt động văn hóa, đậm chất truyền thống lại được ưu tiên tổ chức ở phía Nam của thành phố. Do đó, cần nghiên cứu lại và tổ chức những chương trình có tính truyền thống hướng qua bờ Bắc, để khu vực Thành Nội có sức sống hơn. Đặc biệt, làm cho không gian du lịch Huế được mở rộng, khai thác tối đa những lợi thế, chứ không chỉ còn riêng bờ Nam của thành phố.

Gần đây, Huế bàn nhiều về đường sách, khi cho rằng không gian tại đường Hai Bà Trưng không phù hợp. Vậy tại sao không chọn một tuyến đường ở bờ Bắc quanh Đại Nội để hình thành không gian sách chiêm nghiệm về Huế. Không ồn ào, không gian ấy không chỉ để đọc sách mà đó là nơi tìm về những giá trị văn hóa của Huế. Để thêm điểm nhấn, có thể lấy họa tiết của pháp lam để thiết kế những mẫu đèn lồng trang trí đậm chất Huế… Đó có thể là hướng phát triển một không gian du lịch đẳng cấp cho Huế cần được tính đến.

Còn với sông Hương, phải là điểm nhấn tiếp theo, vừa tạo tính đa dạng, độc đáo bằng hàng loạt dịch vụ, như nhạc nước, dịch vụ ca Huế, du thuyền,… vừa kết nối hai không gian, tạo thành chuỗi sản phẩm liên hoàn từ phía Nam sang phía Bắc hoặc ngược lại.

Xét về yếu tố phát triển du lịch, việc quy hoạch, phân khu đúng chức năng, sử dụng không gian hợp lý sẽ tạo điều kiện để những sản phẩm, dịch vụ hình thành đúng nơi, đúng địa điểm.

Cứ tưởng tượng, ở phía Bắc TP. Huế là không gian cổ kính, đậm chất văn hóa truyền thống; phía Nam là đô thị du lịch hiện đại, với những khách sạn cao tầng, những trung tâm giải trí; còn sông Hương cắt ngang thành phố cũng phát huy được lợi thế du lịch của mình thì du lịch Huế sẽ có thêm điểm nhấn.

QUANG SANG