TS. Cung Trọng Cường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh. Ảnh: HỮU PHÚC

Trò chuyện với Thừa Thiên Huế Cuối tuần, ông Cung Trọng Cường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thừa Thiên Huế tiết lộ, trong khuôn khổ chương trình, Fanpage (trang mạng xã hội) “Huế sách - Huế sạch” vừa ra mắt đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng.

Thưa ông, nhiều người  tò mò là  vì sao fanpage lại có tên “Huế sách - Huế sạch”?

Đó là thông điệp chúng tôi muốn gửi đến mọi người. Là hãy quyết tâm xây dựng nơi chúng ta đang sống sạch hơn về môi trường và sạch hơn trong tâm hồn với những cuốn sách và thói quen đọc sách.

Không ít người cho rằng, việc thúc đẩy thói quen đọc sách không dễ. Số liệu thống kê cho thấy, hiện, trung bình mỗi năm, một người Việt chỉ đọc chưa đến một cuốn sách. Ông nghĩ sao về điều này?

Một nghiên cứu mà chúng tôi tiếp cận cũng cho thấy, tỷ lệ đọc sách của người Huế hiện cũng rất thấp trong khi Huế vốn là vùng đất văn hóa. Đây là điều thôi thúc chúng tôi khởi động chương trình “Thúc đẩy văn hóa đọc ở Thừa Thiên Huế”.

Đến nhà sách, gặp gỡ những người yêu sách có vai trò quan trọng trong việc hình thành, phát triển thói quen đọc sách cho mọi người. Ảnh: PHAN THÀNH

Thực tế, một số mô hình như tủ sách trường học, câu lạc bộ đọc sách, hình thành đường sách… cũng đã được triển khai ở Huế nhưng hiệu quả chưa như mong muốn. Theo ông, vướng mắc ở đâu?

Theo tôi, vấn đề là ở cách làm. Như đường sách Hai Bà Trưng ở thành phố Huế, chưa hiệu quả vì vị trí, đối tượng chưa phù hợp. Người ta đã không thích đọc mà còn phải đi tìm sách thì rất khó. Phải làm sao để sách tìm người đọc.

Vậy chương trình “Thúc đẩy văn hóa đọc ở Thừa Thiên Huế” có cách làm mới?

Trước hết, đây là chương trình phi lợi nhuận, mang tính cộng đồng. Viện Nghiên cứu phát triển Thừa Thiên Huế có vai trò kết nối, thúc đẩy. Hiện, chúng tôi đang kết nối với nhiều nhóm hoạt động liên quan đến sách trong cả nước, như chương trình sách hóa nông thôn; tủ sách công sở; các nhóm trao đổi sách qua facebook… Từ những nhóm đơn lẻ, khi qui tụ lại, thúc đẩy, động viên, định hướng, sẽ có chương trình tổng thể để đi nhanh hơn, hiệu quả hơn. Chương trình sẽ hoạt động trên nền tảng này.   

Với mục tiêu đầy tham vọng là đưa Huế trở thành một trong những tỉnh có tỷ lệ người dân đọc sách cao nhất cả nước, chương trình cụ thể sẽ ra sao, thưa ông?

Mục tiêu ưu tiên mà chúng tôi hướng đến là đối tượng học sinh, sinh viên, phụ huynh và giáo viên. Với quan điểm mang sách đến với người đọc, chúng tôi sẽ hình thành các tủ sách, đường sách, cộng đồng sách, văn hóa đọc… trên cơ sở kết nối, nâng cao chất lượng các nguồn lực đang có từ các nhóm đang làm hiện nay và triển khai các sáng kiến phù hợp. Các hoạt động liên quan như tổ chức các cuộc thi về sách, mời những người có ảnh hưởng nói chuyện về sách…cũng được tổ chức. Khi nhận thức của 3 đối tượng này (học sinh sinh viên - phụ huynh - giáo viên) thay đổi sẽ có tác động lớn đến cộng đồng, tạo sức lan tỏa.

Một số ý kiến cho rằng, nên đặt các tủ sách miễn phí ở quán cà phê, bến thuyền, phố đi bộ, nhà ga… theo kiểu sách tìm  người. Theo ông, liệu có khả thi?

Đó cũng là một trong các kế hoạch chúng tôi đang tính đến. Nhiều người lo ngại sách sẽ mất vì việc quản lý rất khó. Tuy nhiên, cách đây vài năm, chúng tôi từng đặt tủ sách miễn phí ở một vài nơi như quán cơm sinh viên, ở Trường cao đẳng Công nghiệp,… nhưng sách hầu như không bị mất. Mà nếu sách có bị lấy đi thì cũng tốt. Như vậy, ít nhất có ai đó đang đọc nó. Tuy nhiên, ngoài sách giấy, chương trình sẽ tận dụng, khai thác hình thức đọc sách hiện đại. Việc đẩy mạnh truyền thông, kết nối qua facebook, Twitter sẽ được chú trọng. Đây sẽ là lợi thế lớn để tạo hiệu ứng, sức lan tỏa.      

Theo ông, mất bao lâu để đạt được mục tiêu mà chương trình “Thúc đẩy văn hóa đọc ở Thừa Thiên Huế” hướng tới?

Cách chương trình sẽ làm là “cấy” các mô hình. Sự ươm mầm này lan tỏa nhanh hay chậm phụ thuộc vào cách làm và còn tùy thuộc vào sự cộng hưởng của xã hội.

Nhưng tôi rất lạc quan. Chỉ sau một tuần hoạt động, “Huế sách - Huế sạch” đã thu hút trên 1.000 lượt like, hơn 20.000 lượt tương tác và  gần 200 thành viên. Điều đó có nghĩa, có rất nhiều người quan tâm đến việc đọc sách.

Với dự án cộng đồng này, ông có thể cho biết vai trò của Viện Nghiên cứu phát triển Thừa Thiên Huế như thế nào?

Trước hết, chúng tôi sẽ liên kết nhân tố sẵn có trong cộng đồng, sau đó tác động sự vào cuộc của các sở, ban, ngành. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, dự kiến tháng 9 tới, Viện sẽ phối hợp tổ chức hội nghị về đổi mới giáo dục, bàn việc đưa các giá trị văn hóa, trải nghiệm, giáo dục thể chất vào trường học, trong đó có văn hóa đọc.  

Chúng tôi cũng đã kết nối với các nhà xuất bản, các công ty, doanh nghiệp… Một chương trình nói chuyện về sách của một nhân vật tên tuổi vào cuối tháng 7 này đã có. Những thùng sách trao tặng đầu tiên cũng đang được chuyển về. Và nếu làm tốt, chỉ cần mỗi người tặng một cuốn sách thôi thì với khoảng 400.000 dân thành phố Huế, đã có nguồn sách không hề nhỏ.

Nguồn lực từ cộng đồng rất lớn. Vấn đề còn lại là cách làm. Phải tạo được cảm hứng, sự cộng hưởng, sức lan tỏa. Không tốn nhiều tiền từ ngân sách nhưng chương trình chắc chắn đòi hỏi tâm huyết, sự kiên trì và cả thời gian.

Sách miễn phí trong thân cây

“Book Nooks” miễn phí được đặt trong hốc cây cổ thụ để khuyến khích việc đọc sách và giữ gìn cây xanh, bảo vệ môi trường ở Mỹ. Ảnh: PQV

Trên “Huế sách - Huế sạch”, anh Phan Quốc Vinh, thành viên chương trình “Thúc đẩy văn hóa đọc ở Thừa Thiên Huế” chia sẻ, ở Mỹ - nơi anh đang sinh sống - có nhiều tủ sách trong lỗ thân cây (Book Nooks) chứa sách miễn phí để người dân tự trao đổi. Theo anh Vinh, cách đây 10 năm, ở Huế, DMZ bar đã có tủ sách tự trao đổi (book exchange) - nơi du khách có thể đổi sách (lấy 1 cuốn và bỏ vào 1).

“Mong một ngày nào đó, thành phố Huế cũng sẽ có nhiều tủ sách công cộng tại các nhà hàng, quán bar, khách sạn, công ty, bến xe...Chẳng cần có camera giám sát, người dân sẽ tự giác lấy đi một cuốn sách để đọc và thay vào đó một cuốn sách khác. Chẳng lâu sau, sẽ có nhiều điểm “cộng” trong mắt khách du lịch khi đến Huế và Cố đô Huế đi đâu cũng thấy toàn sách với sách”, anh Vinh chia  sẻ ý tưởng.

Kim Oanh (thực hiện)