Với nhiều hoạt động như hội thảo, hội chợ triển lãm các gian hàng, sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu ngành nông nghiệp; khảo sát địa điểm các dự án kêu gọi đầu tư, tham quan dự án mô hình điểm… được kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích mới trong phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới hiện nay, một trong những khó khăn mà các địa phương gặp phải là tiêu chí thu nhập. Người dân nông thôn nói chung và nông dân nói riêng cơ bản vẫn có thu nhập thấp so với các vùng đô thị và ngành nghề khác. Điều này bắt nguồn từ nền sản xuất nông nghiệp manh mún, thiếu sự liên kết chặt chẽ trong sản xuất - tiêu thụ. Chỉ cần một trận dịch bệnh, một vụ mất mùa hay được mùa mất giá, không ít hộ vừa thoát nghèo đã quay trở lại hộ nghèo.
Điều này đã được nhận diện từ lâu. Chính vì vậy, tái cơ cấu ngành nông nghiệp là vấn đề được đặt ra trên phạm vi cả nước. Chính phủ cũng đã dành gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Với Thừa Thiên Huế, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, giai đoạn 2016-2020 được phê duyệt từ đầu năm 2016. Tỉnh có nhiều giải pháp nhằm khuyến khích phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nâng cao chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm, nâng cao thu nhập cho nông dân. Nhờ đó, ngành nông nghiệp của tỉnh cũng có những chuyển hướng phù hợp hơn với thị trường, bước đầu hình thành một số vùng chuyên sản xuất lúa theo hướng hàng hóa; phát triển chăn nuôi quy mô tập trung; sản xuất rau, hoa trong nhà kính…
Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể sản xuất nông nghiệp trên địa bàn vẫn chưa có những đột phá lớn. Quy mô sản xuất vẫn còn nhỏ, năng lực quản lý, trình độ khoa học của nông dân còn hạn chế. Chính vì vậy, ngay cả khi có nguồn vốn người nông dân cũng khó tiếp cận và sử dụng không hiệu quả. Nói như vậy không có nghĩa người nông dân không có mong muốn và khát vọng vươn lên làm giàu mà cái chính là họ không biết bắt đầu từ đâu, bởi thiếu đầu tàu dẫn dắt.
Để làm được điều này cần có vai trò của các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Nhưng một trong những vướng mắc hiện nay khi kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp là thiếu quỹ đất. Người nông dân vốn gắn bó với đồng ruộng chẳng khi nào muốn giao đất của mình cho doanh nghiệp rồi trở thành người làm thuê - dù thu nhập có thể cao hơn. Với mô hình chuỗi liên kết hiện nay, thông qua đầu tư của các doanh nghiệp, người nông dân có thể linh hoạt tham gia vào quy trình sản xuất với nhiều hình thức khác nhau, từ góp cổ phần bằng quỹ đất hoặc cho thuê đất đến việc tham gia sản xuất theo quy trình để cung ứng sản phẩm cho doanh nghiệp. Ngược lại, doanh nghiệp giảm chi phí đầu tư khâu sản xuất mà chỉ cần tập trung vào chuyển giao khoa học công nghệ, giám sát quy trình sản xuất và tổ chức tốt khâu chế biến, bao tiêu sản phẩm. Khi giải quyết tốt đầu ra, người dân không còn ám ảnh nỗi lo “được mùa mất giá, được giá mất mùa” họ sẽ mạnh dạn huy động mọi nguồn lực đầu tư các mô hình sản xuất phù hợp.
Cùng với doanh nghiệp, với lợi thế gắn bó với nông nghiệp, nông thôn, nông dân, các hợp tác xã ở nông thôn hiện giữ vai trò quan trọng trong việc tổ chức sản xuất, làm “bà đỡ” cho nông dân từ đầu vào đến đầu ra trong sản xuất. Nếu có chính sách phù hợp, các HTX sẽ là cầu nối trong việc chuyển giao khoa học công nghệ, nhất là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, góp phần thúc đẩy quá trình đổi mới phương thức sản xuất nông nghiệp của nước ta hiện nay.
Hoàng Minh