Học sinh tham gia phân loại rác, hạn chế sử dụng rác thải nhựa tại trường học

Phụ huynh khác tiếc nuối: "Rứa mà con em lỡ bao rồi!".

- "Nếu trường làm căng thì phải tháo ra thôi".

-"Yêu cầu này dành cho cả 3 cấp nhé!".

- "Rứa thì mình nên bao bằng chi cho mấy cháu?"

- "Để nguyên rứa hoặc bao giấy. Mà chủ trương rứa thì kệ để rứa luôn cho khỏe, miễn răng mấy cháu biết giữ vẫn đẹp".

Đó là những dòng tin nhắn được các phụ huynh chia sẻ.

Đọc thông tin này, có lẽ không chỉ tôi mà nhiều phụ huynh, học sinh sẽ rất tán đồng, hoan nghênh. Thứ nhất, dù không tốn kém nhiều nhặn để mua những chiếc bao ni lông bọc sách, vở, nhưng nếu bớt khoản này và duy trì trong các cấp học, phụ huynh vừa tiết kiệm được một khoản, vừa đỡ tốn công bao bọc. Thứ hai, chỉ cần không dùng bao ni lông bọc sách vở, bình quân mỗi em học sinh đã giảm được trên dưới 20 bìa ni lông. Nếu nhân con số này cho gần 197.500 học sinh 3 cấp: tiểu học, THCS, THPT và hơn 3.300 học viên thuộc các trung tâm giáo dục thường xuyên, nghề nghiệp, thì số lượng bìa ni lông giảm sử dụng rất lớn khi được thực hiện đồng loạt.

Tất nhiên, đằng sau quy định không sử dụng bìa ni lông để bao sách, vở, sẽ có những cấp học hay trường học có quy định riêng trong việc dùng đồ dùng gì để bao bọc, giữ gìn sách vở, nhưng dù sao đó cũng sẽ là giải pháp hướng đến sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường, như sử dụng giấy, báo...

Quy định có tính "sáng kiến" này nếu được làm đồng loạt, duy trì lâu dài sẽ đem lại hiệu quả cao trong thực hiện phong trào "Nói không với túi ni lông sử dụng một lần khó tiêu hủy".

Thời gian qua, thông qua các kênh dự án, nhiều trường học đã tham gia thu gom, phân loại rác trong trường học và vận động gia đình, người thân, cộng đồng địa phương cùng thực hiện. Từ những bìa giấy loại, chai nhựa, vỏ lon..., các em học sinh đã biết phân loại và đem bán lấy tiền gây quỹ. Những trường học có căng tin trong trường hay có phục vụ ăn trưa bán trú, học sinh được nhà trường khuyến khích, nhắc nhở mang theo thìa muỗng, ly dùng nhiều lần để mua đựng thức uống, hạn chế sử dụng ống hút, hộp nhựa, ly nhựa dùng một lần.

Ngành thương mại, du lịch cũng đã phát động và tổ chức ký cam kết với các siêu thị, ban quản lý một số chợ lớn, các trung tâm lữ hành, dịch vụ trên địa bàn TP. Huế để tuyên truyền, vận động đến tiểu thương, khách hàng, khách du lịch. Tuy nhiên, do chỉ dừng lại ở mức khuyến khích, vận động, nên kết quả vẫn chưa cao, chưa có giải pháp để thay đổi thói quen cũng như sử dụng vật liệu thân thiện thay thế.

Chỉ một ngành, một bộ phận hưởng ứng thực hiện sẽ chưa tác động mạnh đến xã hội. Thế nên, một khi có sự phối hợp đồng bộ từ ngành thương mại, du lịch đến ngành giáo dục, môi trường, nông nghiệp..., chắc chắn lượng tiêu thụ túi ni lông sẽ giảm, đồng nghĩa với việc sản lượng sản xuất sản phẩm nguy hại cho môi trường này sẽ giảm theo.

Ngoài vận động học sinh không bao sách vở bằng bìa ni lông, tỉnh có kế hoạch sẽ chỉ đạo các trường học tuyên truyền để các em học sinh không mang theo chai nước nhựa sử dụng một lần đến trường học, lớp học.

Phong trào chống rác nhựa, nói không với túi ni lông sử dụng một lần khó tiêu hủy đã lan tỏa rộng khắp, không chỉ trong giới công chức, tại các công sở mà đang hướng mạnh đến đối tượng học sinh, đối tượng chiếm số đông nhất và sẽ mang lại hiệu quả cao nhất.

Bài, ảnh: Hoài Nguyên