Bài báo phản ánh về sự hiện diện của một tấm bia đá trong khuôn viên di tích Đàn Nam Giao mà theo khảo tả của tác giả là (tấm bia) nằm “cách chân tầng phương đàn thứ nhất chừng ít mét, ở mé đông bắc, dựa vào một gốc thông. Bia bằng đá sa thạch, hai góc vát thẳng từ trên xuống, dày chừng 10 cm, rộng chừng 35cm, và cao chừng 50cm. Mặt sau để mộc, mặt trước, phía trên khắc hoa văn như hình đám mây và mặt nhật (hoặc mặt nguyệt (?). Mặt bia có khắc 3 dòng Hán tự theo chiều từ trên xuống. Dòng giữa khắc chữ cỡ lớn, hai dòng bên chữ nhỏ hơn; nhiều nét đã bị mờ nhưng nếu được lau chùi sạch vẫn có thể đọc được.”

Tấm bia bị vỡ

Đáng buồn là, trước lễ Tế Giao tại Festival Huế 2010, tấm bia vẫn còn nguyên vẹn. Nhưng sau lễ, người ta thấy nó đã bị vỡ làm 2 mảnh (!)
 
Tấm bia có ý nghĩa gì với di tích Đàn Nam Giao hay không? Nếu có thì tại sao lại không được dựng tử tế mà lại chỉ được dựa vào gốc cây thông một cách tạm bợ như thế? Và tại sao bia lại bị vỡ?... Tác giả nêu những mối băn khoăn và mong chờ một sự giải thích từ cơ quan chuyên môn. Vậy nhưng, chờ hoài vẫn không thấy hồi âm đâu.
 
Tôi tẩn mẩn ghé thăm Đàn Nam Giao và tìm đến “tọa độ” đặt tấm bia, thấy người ta đã đem tấm bia… “thủ tiêu” đâu mất. Tại vị trí ấy, chỉ còn một vết lõm trên mặt đất- chỗ chân bia, và một vết mòn vẹt trên gốc cây thông, chỗ đầu bia gối vào. Báo nêu, cơ quan quản lý “kiểm tra” rồi…bế mạc luôn. Không cần trả lời trả vốn lôi thôi. Đúng là… khỏe! “Chơi gì kỳ dzậy (?!!)” - Chợt nhớ đến câu cửa miệng của mấy người bạn miền Nam khi đối diện với lối hành xử như vậy.
 
Hiền An