Dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng về 3 vụ TNGT liên tiếp xảy ra sáng 23/7 vừa qua trên QL5, làm 7 người chết, 2 người bị thương. Đây là tuyến đường huyết mạch nối Hà Nội với Hải Phòng, là hành lang kinh tế quan trọng của nhiều tỉnh thành Bắc bộ mà tuyến đường này đi qua; có mặt đường rộng đến 23 m, được thiết kế đoạn hẹp 4 làn xe, đoạn rộng 6 làn xe, có dải phân cách cứng và cầu vượt cho người đi bộ và phương tiện muốn đổi chiều…

Thiết kế đã như vậy, nhưng xung đột giữa ô tô lưu thông trên đường với mô tô, xe đạp và người đi bộ vẫn cứ xảy ra. Trước đó, đầu năm 2019, cũng trên tuyến quốc lộ này đã xảy ra vụ TNGT thảm khốc khi một chiếc xe tải lao vào đoàn người đi bộ, khiến 8 người tử vong. Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm nay, toàn tuyến QL5 xảy ra 47 vụ TNGT, làm chết 53 người và bị thương 32 người…

Trong nhiều nguyên nhân có nguyên nhân người dân không tuân thủ đi vào đường gom, lên cầu vượt để sang đường mà đã liều mình đi tắt, thậm chí tự mở dải phân cách để sang đường. Thực trạng này không chỉ trên QL5 mà đang diễn ra ở nhiều nơi.

Trên địa bàn Thừa Thiên Huế, QL1A đã được mở rộng, nâng cấp đưa vào sử dụng hơn 3 năm nay, được thiết kế 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ; với nguồn vốn rất lớn, riêng đoạn Phong Thu (Phong Điền)–Lộc Sơn (Phú Lộc) dài hơn 31 km có tổng mức đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình đưa vào sử dụng đã nảy sinh nhiều vấn đề mất ATGT.

Lưu thông trên QL1A qua các huyện, thị xã Phong Điền, Hương Trà, Hương Thủy, Phú Lộc không khó để bắt gặp người điều khiển xe máy, xe đạp từ các nhánh rẽ đi ra chạy ngược chiều đến đoạn hở của dải phân cách để sang đường; người đi bộ thì trèo qua dải phân cách. Nhiều vị trí tấm lưới chống lóa bị người dân tháo bỏ, thậm chí tháo cả đoạn dải phân cách để sang đường cho tiện. Hiện tại, một đoạn dải phân cách gần phía trước Trường THPT Đặng Huy Trứ (Hương Trà), nơi đấu nối với tuyến đường từ Hương Toàn đã bị tháo dỡ (!)

Điều này cho thấy, việc thiết kế thi công công trình chưa giải quyết hài hòa vấn đề đi lại của người dân sống 2 bên đường cũng như phương tiện từ các nhánh đấu nối một cách hiệu quả. Công trình QL1A qua Thừa Thiên Huế hiện nay ngoài thiếu một số hạng mục cần thiết như đường gom, cầu vượt thì việc lắp đặt các dải phân cách vẫn chưa hợp lý. Nhiều vị trí trường học, chợ, các tuyến đấu nối có mật độ lưu thông cao… đang bị dải phân cách bít một đoạn dài. Nếu đi đúng luật thì buộc người dân phải di chuyển một đoạn đường rất xa; trong lúc việc chế tài, xử lý chưa thực sự đủ mạnh.

Có nhiều đoạn dải phân cách trở thành điểm đen TNGT. Chẳng hạn như dải phân cách qua trung tâm thị xã Hương Trà, khi thi công đã không tính toán đến hệ thống đường thoát nước nổi 2 bên, nên khi lắp dải phân cách đã dồn các phương tiện vào một lòng đường hẹp, gây xung đột. Chỉ trong vòng hơn 1 năm sau khi đưa vào sử dụng, đoạn đường này đã xảy ra 20 vụ TNGT nghiêm trọng, làm chết 11 người và bị thương 15 người…

Trong các vụ TNGT xảy ra trên các tuyến đường được cho là hiện đại, ngoài lỗi của người điều khiển phương tiện, người dân... còn có một phần bất cập trong thiết kế, xây dựng. Rất cần được khắc phục và rút kinh nghiệm cho những dự án sau.

Đặng Thành