Chỉ trong vòng hai tháng trở lại đây, anh Nguyễn Đức, nhân viên văn phòng đang làm việc tại một công ty trên địa bàn TP. Huế thống kê mình nhận hơn chục cuộc điện thoại số lạ giới thiệu ở tận TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương hay Đà Nẵng mời chào dự án bất động sản, căn hộ cao cấp. Ban đầu anh chịu khó lắng nghe, và tế nhị từ chối vì bản thân không hề có nhu cầu.

Thế nhưng những cuộc gọi liên tục sau đó khiến anh cảm thấy bị làm phiền, khó chịu. “Thật tình mình không hề có nhu cầu quan tâm đến những lĩnh vực đó nhưng không hiểu sao bị quấy rầy. Có người gọi tới xin nói ngắn gọn, nhưng rồi họ cứ kéo dài ra với đủ lời có cánh về dự án này, dự án nọ. Thành ra, sau này cứ nghe quảng cáo, mời chào mình xin lỗi và tắt máy ngay”, anh Đức nói.

Cũng như anh Đức, anh Vĩnh Phú (kinh doanh thời trang ở đường Bà Triệu) bực mình bởi các đầu số không nằm trong danh bạ với giọng nhỏ nhẹ mời chào bán xe ô tô. Anh Phú nói không biết cách nào mà người gọi lại có số điện thoại của mình, và vì thế mỗi cuộc gọi đến chẳng khác gì bị tra tấn tâm lý.

Trong khi những người khác ám ảnh với cuộc gọi tiếp thị bất động sản, ô tô thì một số người khác cũng phải đối mặt với cuộc gọi tiếp thị đến từ các nhân viên công ty bảo hiểm nhân thọ mời đi dự hội nghị hay ngân hàng để tư vấn cho vay...

Theo luật sư Công Hạnh - Công ty luật Công Khánh (TP. Huế), việc sử dụng điện thoại trong cuộc sống hiện nay đã rất phổ biến, số điện thoại mỗi cá nhân được coi như thông tin riêng tư, chỉ có cá nhân sở hữu nó mới được quyền định đoạt việc cung cấp thông tin theo hình thức nào. Rõ ràng, tổ chức cung cấp dịch vụ viễn thông có cơ sở dữ liệu khách hàng đầu tiên, tiếp đến trong quá trình sử dụng dịch vụ hằng ngày, khách hàng có thể vô tình để lại thông tin, các tổ chức dịch vụ tận dụng điều này để chào bán dịch vụ.

Khi chào hàng qua điện thoại, đề nghị sử dụng dịch vụ mà khách hàng không mong muốn, gây cản trở đến đời sống sinh hoạt (gọi trong giờ làm việc, lúc nghỉ ngơi) từ 2 lần trở lên được xem là quấy rối người tiêu dùng thông qua hình thức tiếp xúc gián tiếp, đó là hành vi pháp luật cấm khi thực hiện việc chào bán sản phẩm theo quy định tại Khoản 4 Điều 3, Khoản 2 Điều 10 Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2010.

Cũng theo luật sư Hạnh, tổ chức kinh doanh vi phạm bị xử phạt hành chính, hình thức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng – 2.000.000 đồng theo quy định tại Điều 78, Nghị định 185/2013/NĐ-CP. Nếu có cơ sở kết luận tổ chức cung cấp dịch vụ viễn thông để rò rỉ thông tin cá nhân thì tổ chức đó phải bị xử lý theo quy định tại điểm g, Khoản 3 Điều 66, Nghị định 174/2013/NĐ-CP về những hành vi vi phạm quy định lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin, mức xử phạt lên tới 20.000.000 đồng.

PHAN THÀNH