Hiện trường vụ cháy ngày 28/6

Tăng về số vụ 

Từ đầu năm đến tháng 7/2019, trên địa bàn TX. Hương Thủy xảy ra 11 vụ cháy, bằng tổng số vụ cháy năm 2018.

Bên cạnh số vụ cháy tăng, diện tích rừng thiệt hại do cháy gây ra cũng tăng. Năm 2018 tổng diện tích thiệt hại là 14,378 ha; từ đầu năm 2019 đến nay là 140,21 ha (trong đó có 1ha rừng thông tái sinh tự nhiên, 135,69 ha rừng trồng; cây bụi: 3,52 ha). Theo ông Hà Văn Thuận, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm TX. Hương Thủy, diện tích rừng bị cháy có khả năng phục hồi chỉ khoảng 40 ha, diện tích gần 100 ha rừng còn lại xem như mất hoàn toàn.

“Hạn hạn kéo dài, thời tiết luôn ở mức 38-41 độ C, dự báo nguy cơ cháy rừng luôn ở cấp 4 và 5. Hỏa hoạn xảy ra ở những địa hình phức tạp, độ dốc lớn, xa nguồn nước, di chuyển khó khăn… Không ít người dân làm gỗ, chặt củi, rà tìm phế liệu, đốt ong... khiến nguồn nguy cơ gây cháy phức tạp trong khi dụng cụ, phương tiện phục vụ chữa cháy rừng (nhất là xe cứu hỏa được thiết kế 1 cầu) chỉ phát huy hết hiệu quả ở những nơi đất bằng, không đảm bảo việc ứng cứu khi có cháy rừng lớn xảy ra”, ông Thuận lý giải về nguyên nhân số vụ cháy tăng cao và diện tích rừng bị cháy lớn.

Trong số 140,21 ha rừng bị thiệt hại sau 11 vụ cháy tính từ đầu năm đến nay, riêng vụ cháy rừng xảy ra ngày 28/6 tại khu vực giáp ranh giữa 3 phường: Thủy Châu, Phú Bài và Thủy Phương đã thiệt hại đến 131,47 ha (trong đó 48,9 ha thông nhựa do Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Hương Thủy quản lý, diện tích còn lại là rừng trồng keo, tràm).

“Đám cháy này bắt nguồn từ rừng keo của người dân ở phường Thủy Phương. Dù các lực lượng đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường, nhưng do chủ rừng không làm đường lâm sinh, đường ranh cản lửa như quy định nên việc tiếp cận để khống chế lửa vô cùng khó khăn. Đến khi gió Tây Nam thổi mạnh, lửa lan sang rừng thông nhựa do BQLRPH Hương Thủy quản lý. Ngoài 3 tiếng nổ lớn do đạn lân tinh sót lại sau chiến tranh phát nổ, việc không thường xuyên vệ sinh, dọn dẹp thực bì, lá thông, cây bụi, cũng như để rác phủ trên đường ranh cản lửa của chủ rừng đã khiến lửa bùng phát mạnh và lan rộng”, ông Thuận nhận định.

Nhìn từ Dương Hòa

Trong khi cháy rừng đã và đang hoành hành ở một số địa phương khu vực đồng bằng ở TX. Hương Thủy, tại Dương Hòa – một xã miền núi có 7 tiểu khu với tổng diện tích rừng đến gần 4.000 ha (nhiều nhất TX. Hương Thủy) đã 3-4 năm nay chưa xảy ra cháy rừng.

Là xã miền núi, địa hình nhiều đồi dốc, diện tích rừng trải dài lại xa nguồn nước, lực lượng chữa cháy phải di chuyển một đoạn đường dài mới có thể tiếp cận nếu xảy ra cháy rừng. Tuy nhiên, sự vào cuộc một cách đồng bộ của các cấp liên quan đã giúp ý thức của bà con trong việc phòng, chống cháy rừng được nâng lên đáng kể.

Hầu hết bà con nơi đây đều có rừng trồng, kể cả những người trước đây chuyên đi đốt ong, rà phế liệu… nên mọi người đều có ý thức bảo vệ tài sản của mình và mọi người. “Trước lúc đốt thực bì, bà con đều chủ động báo với chính quyền, sau khi kiểm tra, nếu được đồng ý, bà con mới đốt dưới sự giám sát của các lực lượng liên quan”, ông Lê Văn Thức, Phó Chủ tịch UBND xã Dương Hòa chia sẻ kinh nghiệm.

Theo ông Thức, công tác phòng, chống cháy rừng phát huy hiệu quả thời gian qua còn bắt nguồn từ việc bà con chủ động làm đường lâm sinh, đường ranh cản lửa, thường xuyên dọn rác, cây khô trong khu vực rừng của mình. Đồng thời, những hộ có đất rừng liền kề đã kết hợp tạo thành từng nhóm để chủ động và kịp thời hỗ trợ nhau trong công tác báo cháy, chữa cháy nếu hỏa hoạn xảy ra.

Ông Hà Văn Thuận, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm TX. Hương Thủy cho rằng, đây là mô hình các địa phương khác nên học hỏi. Về lâu dài, ngoài kiểm soát tốt những đối tượng ra vào rừng để rà phế liệu, đốt ong… cùng chế tài đủ sức răn đe, Dương Hòa và các địa phương trên địa bàn thị xã cần có thêm phương tiện, trang thiết bị chữa cháy rừng chuyên dụng, hiện đại và phù hợp với từng loại địa hình.

“Nếu có xe chữa cháy chuyên dụng nhỏ gọn, máy bơm nước đeo vai để có thể tiếp cận sát hiện trường, diện tích rừng bị thiệt hại sau vụ cháy ngày 28/6 sẽ giảm thiểu đáng kể”, ông Thuận nói.

Bài, ảnh: Hàn Đăng