N. cho rằng sa vào phạm tội vì buồn chán, không nơi nương tựa. Nhưng tình người mà N. nhận được trong những ngày bị tạm giam sẽ là động lực để cố gắng cải tạo, làm lại cuộc đời.
Phòng xét xử TAND huyện Phú Vang hôm đó thật “trống trải”, bởi bị cáo không một người thân thích. Không hẳn vì lý do bị cáo là người ở tỉnh Tiền Giang, đường sá quá xa xôi, mà bởi vì N. “không cha không mẹ”, không người thân thích.
Thực ra bị cáo vẫn còn cha, còn mẹ. Nhưng cha mẹ N. ly hôn từ khi N. còn đỏ hỏn. Sau khi ly hôn, mẹ N. bỏ đi biệt tích. Cha của N. sau đó cũng lấy vợ, đến nơi khác sinh sống, “vứt” con thơ cho cha mẹ (là ông bà nội của N.) nuôi.
N. chưa từng một lần được biết mặt mẹ. Còn cha, có gặp 2 lần khi còn rất nhỏ. Bây giờ đã 23 tuổi N. không còn nhớ mặt cha. Thật không may, khi N. vẫn chỉ là đứa trẻ vị thành niên thì ông bà nội cũng sớm lần lượt qua đời. Bơ vơ không nơi nương tựa, N. ra chợ chờ ai thuê gì làm nấy, kiếm chút tiền ít ỏi, sống tạm bợ qua ngày.
Dần dần N. học theo người khác kiếm sống bằng bán hàng đa cấp. Đi từ tỉnh này qua tỉnh khác, đến đầu năm 2018, Thừa Thiên Huế là điểm cuối cùng N. dừng chân.
Thuê phòng trọ ở thôn Lại Thế, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, N. tiếp tục công việc bán hàng đa cấp. Việc mua bán không thuận lợi, không có nguồn thu nhập, N. nảy sinh ý định trộm cắp tài sản, lấy tiền tiêu xài, phục vụ nhu cầu cá nhân.
Khoảng 2 giờ ngày 01/10/2018, N. đi bộ đến thôn Ngọc Anh, xã Phú Thượng tìm nhà nào sơ hở để đột nhập. Thấy cửa sổ tầng 2 nhà anh Nguyễn Trọng Nam mở, N. tìm cách trèo vào nhà “khoắng” chiếc điện thoại, máy Ipad mini; ví tiền, xe mô tô honda SH... Tổng tang số N. đã trộm cắp của anh Nam là 91.475.000 đồng.
Trước đó N. thực hiện 10 vụ trộm cắp trên địa bàn huyện Phú Vang (tổng giá trị tài sản và tiền mặt trộm cắp được của 17 bị hại là 317.674.000đồng); 1 vụ trên địa bàn TP. Huế (vụ này do TAND TP. Huế xét xử).
Tài sản trộm cắp được, phần lớn N. đã tẩu tán, phục vụ nhu cầu cá nhân. Tại phiên tòa, khi được nói lời sau cùng, N. đã xin lỗi các bị hại với lời thú nhận “không thể có khả năng trả lại tiền, vì đã tiêu xài hết”. Trả lời tại sao có thể tiêu xài hết số tiền khá lớn như vậy trong thời gian ngắn, N. cho rằng vì bị cha mẹ bỏ rơi từ nhỏ, cuộc đời buồn chán nên sa vào nghiện game. Bao nhiêu tiền bạc đều “đổ” vào đây. Tòa phân tích: Bị cáo không thể vin vào lý do đó để trượt dài vào lầm lỗi. Biết bao người rơi vào hoàn cảnh không may mắn, thậm chí khuyết tật về cơ thể, nhưng vẫn vươn lên sống có ích.
Mắt rớm đỏ, bị cáo bộc bạch, kể từ khi bị bắt tạm giam, bị cáo mới cảm rõ được lòng tốt và tình người.
Thấy N. không có áo quần để thay, cứ mặc mãi một bộ, cán bộ công an và kiểm sát viên đã mua quần áo, đồ dùng cá nhân cho N., đồng thời hỏi han cuộc sống, động viên N. sau này cố gắng làm lại cuộc đời. Chính lòng tốt và tình người ấy khiến bị cáo ân hận thực sự và sẽ là động lực để bị cáo cố gắng cải tạo tốt, sau khi được ra tù sẽ kiếm một nghề lương thiện.
“Chúng tôi vui vì những điều bị cáo bộc bạch. Hy vọng bị cáo N. nói riêng, những người trót lầm lỡ khác cảm nhận được sự khoan hồng của pháp luật, sự quan tâm chân thành của những người thực thi pháp luật, để thực lòng thay đổi, sửa chữa sai lầm”- thẩm phán chủ tọa phiên tòa nói.
Quỳnh Anh