Trạm bơm điện ở Phong Chương (Phong Điền) vận hành chống hạn cho lúa
"Còn nước còn tát"
Nông dân Trần Xuân Phát ở xã Phong Sơn (Phong Điền) lo lắng khi nguồn nước tại các ao hồ, khe suối trên địa bàn xã và các vùng lân cận đã khô kiệt, khó có khả năng tưới cho các đồng ruộng. Sáu sào lúa của ông Phát cũng như nhiều diện tích trên địa bàn gần khô cạn nước.
Phó Chủ tịch UBND xã Phong Sơn, ông Trịnh Xuân Nhân phân tích, trong điều kiện nắng nóng như hiện nay, các hồ chứa, khe suối khô kiệt là yếu tố bất lợi đối với sản xuất lúa hè thu và các loại cây trồng.
Từ đầu mùa vụ, các hợp tác xã huy động người dân ra quân nạo vét kênh mương phục vụ đưa nước vào đồng ruộng; giờ đây đồng ruộng khô hạn, còn các kênh mương thì trong tình trạng “hóng nước” để cứu lúa… Trong 10-15 ngày đến, nếu không có mưa thì trên địa bàn xã có hơn 50 ha lúa có nguy cơ chết, mất trắng.
Tại các xã Quảng Thái, Quảng Lợi, Quảng Công (Quảng Điền) và nhiều diện tích lúa tại nhiều địa phương ở TX. Hương Trà, khu 3 (Phú Lộc) cũng đang trong tình trạng “khát" nước trầm trọng. Một số vùng không chủ động nguồn nước, như các xã vùng đầm phá, ven biển Quảng Điền, khu 3 (Phú Lộc), hai huyện miền núi A Lưới, Nam Đông đều phải trông chờ vào thời tiết (mưa) để “giải hạn”. Với các vùng thuộc khu vực phục vụ của các công trình thủy lợi, như hồ Truồi, hồ Thọ Sơn, Hòa Mỹ, Tả Trạch… thì trong trạng thái “còn nước còn tát”.
Các đợt nắng nóng kéo dài từ đầu tháng 2 đến nay làm nguồn nước phục vụ sản xuất bị thiếu hụt khiến gần 100 ha lúa và 512 ha lạc tại huyện A Lưới, khu 3 (Phú Lộc), Phong Điền, Quảng Điền, TX. Hương Trà… bị khô cháy gây thiệt hại hoàn toàn.
Theo Công ty TNHH NN 1 thành viên Quản lý - Khai thác công trình thủy lợi tỉnh (Công ty Thủy lợi), dự báo diện tích lúa bị khô cháy sẽ còn tăng cao, có thể đến hàng ngàn ha nếu trong vòng 10-15 ngày đến không có mưa lớn.
Hạn chế tối đa thiệt hại, mất mùa
Giám đốc Công ty Thủy lợi Dương Đức Hoài Khánh thông tin, đến ngày 23/7, mực nước trung bình tại các hồ chứa thủy lợi lớn, nhỏ trên địa bàn tỉnh đều xuống ở mức rất thấp. Nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài, kèm theo không có mưa lớn thì nguy cơ các hồ chứa sẽ trơ đáy, không có khả năng chống hạn cho sản xuất nông nghiệp.
Tính đến ngày 23/7, tại các hồ thủy lợi: Mỹ Xuyên, Ông Môi, Thôn Niêm, Thiềm Lúa, Nam Giảng… chỉ còn cách mực nước chết bình quân chừng 0,20-0,30 mét. Mực nước tại hồ Truồi 26,35 mét, so với mực nước dâng bình thường (MNDBT) 42 mét, mực nước chết 20 mét. Mực nước tại Hồ Thủy Yên còn 28,8 mét, so với MNDBT 36,4 mét, mực nước chết 16 mét. Tại hồ Thọ Sơn chỉ còn 12,78 mét, so với MNDBT 19,5 mét và mực nước chết 8,8 mét…
Theo ông Khánh, trước tình hình mực nước đang rất “căng thẳng” như hiện nay, công ty chỉ còn cách tổ chức vận hành điều tiết nguồn nước tất cả các hồ chứa, trạm bơm một cách hợp lý, đúng thời điểm nhằm tiết kiệm nước, song vẫn đảm bảo phục vụ sản xuất một cách hiệu quả trong điều kiện có thể, hạn chế tối đa thiệt hại, mất mùa có thể xảy ra do nắng hạn kéo dài.
Ông Ngô Thông, Giám đốc Ban Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 5 thông tin, mực nước tại hồ Tả Trạch hiện nay xuống ở mức thấp. Mục tiêu của hồ Tả Trạch là tạo nguồn nước tưới ổn định cho 34.782 ha đất canh tác/năm, bổ sung nguồn nước ngọt cho hạ lưu sông Hương để đẩy mặn, cải thiện môi trường đầm phá Tam Giang - Cầu Hai; phục vụ nuôi trồng thủy sản, cấp nước sinh hoạt và công nghiệp, phát điện khi cần thiết. Tuy nhiên với nguồn nước hiện có tại hồ Tả Trạch, trong điều kiện sử dụng tiết kiệm cũng chỉ có khả năng phục vụ chống hạn cho khoảng 70% diện tích so với mục tiêu.
Cùng cảnh với thủy lợi, mực nước tại các hồ thủy điện lớn như Hương Điền, Bình Điền cũng đang xuống ở mức thấp hơn MNDBT từ 10,2-26m, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ông Trịnh Xuân Khoa, Phó Giám đốc phụ trách Công ty CP Thủy điện Hương Điền phân tích, hiện tại mực nước hồ Hương Điền chỉ còn 46,8 mét (so với MNDBT 58 mét) đã “chạm” mực nước chết. Mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị đều tạm ngưng để ưu tiên duy trì cấp nước về hạ du phục vụ sản xuất nông nghiệp. Với nắng nóng phức tạp như hiện nay, nếu không có mưa lớn thì hết tháng 7 này, nguồn nước hồ thủy điện Hương Điền sớm khô kiệt...
Đầu tư 11.939 tỷ đồng phát triển hạ tầng Toàn tỉnh hiện có 56 hồ chứa thủy lợi và 6 hồ thủy điện đã đi vào vận hành, khai thác với tổng dung tích chứa khoảng 2 tỷ m3. Hiện có 20 hồ xảy ra hiện tượng trượt mái hạ lưu, đập chính bị thấm nhẹ cục bộ, mái đập thượng lưu xuống cấp do chưa được gia cố, cống lấy nước bị rò rỉ. UBND tỉnh vừa có quyết định đầu tư 11.939 tỷ đồng để phát triển hạ tầng, sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi từ nay đến năm 2025… |
Bài, ảnh: Hoàng Triều