Người dân chia sẻ trăn trở khi sáp nhập xã tại Hội nghị cán bộ chủ chốt của xã Hồng Tiến quán triệt chủ trương sáp nhập xã
Sáp nhập để phát triển
Qua hội nghị cán bộ chủ chốt, sinh hoạt các đoàn thể và họp dân của 5 thôn, cơ bản người dân xã Hồng Tiến đồng tình với chủ trương của Đảng và Nhà nước về phương án sắp xếp, tuy nhiên, do đây là một công việc hệ trọng và nhạy cảm nên không tránh khỏi những tâm tư, băn khoăn.
Nguyên Bí thư Đảng uỷ xã Hồng Tiến (giai đoạn 1968-1971), ông Nguyễn Văn Cần chia sẻ: “Nghe tin xã sáp nhập, chúng tôi mừng nhưng vẫn lo. Lo vì Hồng Tiến là xã đặc thù, khi nhập với Bình Điền, có giữ được truyền thống của xã Anh hùng Lực lượng vũ trang. Ở đây có 9 dân tộc anh em cùng sinh sống, vậy các phong tục tập quán, tiếng nói, ngôn ngữ, tôn giáo, yếu tố lịch sử của mỗi dân tộc liệu có mai một, có mất”.
Ông Nguyễn Văn Cao, người dân xã Hồng Tiến băn khoăn: “Là 1 trong 12 xã nghèo của toàn tỉnh, khi sáp nhập, việc bố trí sắp xếp, giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ và đồng bào dân tộc thiểu số hay việc chuyển đổi giấy tờ và ổn định đời sống cho người dân thực hiện ra sao”.
Bí thư Đảng ủy xã Hồng Tiến Lê Viết Hương khẳng định: Sáp nhập là để phát triển hơn, hạ tầng được nâng cấp, đời sống người dân ngày một nâng cao. Khi sáp nhập, ai có bằng cấp, làm giỏi sẽ không có thiệt thòi. Các chế độ chính sách, thủ tục hành chính, cũng như việc gìn giữ bản sắc văn hóa và các yếu tố truyền thống khác cho người dân vẫn được đảm bảo...
Hồng Tiến là đơn vị hành chính cấp xã có 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên (trên 22km2 đạt 44,2%) và quy mô dân số (hơn 1.500 người đạt 31,18%) chưa đạt 50% theo quy định, thuộc diện cần phải sắp xếp trong giai đoạn 2019- 2021. Phương án sắp xếp là sẽ nhập xã Hồng Tiến với xã Bình Điền. Sau khi nhập xã mới có diện tích tự nhiên trên 140km2 (đạt 280,04%), dân số hơn 5.900 người (đạt 119,02%) với 14 thôn, đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và dân số theo quy định. Đồng thời, xã mới có tiềm năng và động lực để phát triển kinh tế vùng, mang lại đời sống kinh tế cao cho người dân.
Tạo sự thống nhất
Tại hội nghị cán bộ chủ chốt xã Hồng Tiến để quán triệt về chủ trương sáp nhập xã mới đây (ngày 19/7), Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà Nguyễn Xuân Ty cho rằng, đây là chủ trương đúng của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn hiện nay, tuy nhiên, lộ trình đặt ra quá gấp. Theo kế hoạch, đến 31/7, phải hoàn thành việc lấy ý kiến của người dân về phương án sắp xếp địa giới hành chính; cấp huyện, thị xã phải báo cáo UBND tỉnh trước 15/8.
Theo Trưởng ban Tuyên giáo Thị uỷ Hương Trà Nguyễn Ngọc Phương, thực tế, khó nhất là nhận thức của người dân. Qua họp dân, có trường hợp, bà con bày tỏ không muốn nhập vào Bình Điền mà muốn nhập vào A Lưới – nơi Hồng Tiến đã tách ra hay một số người dân Pahy đề xuất trở lại Phong Mỹ (Phong Điền) - quê hương trước đây của họ.
“Trước mắt, thị xã sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục để người dân hiểu, tạo sự thống nhất cao với chủ trương. Bên cạnh đó, công việc thực hiện sáp nhập sẽ phải thực hiện khẩn trương để chuẩn bị cho đại hội Đảng bộ cơ sở vào quý II-2020. Thị xã cũng đã xây dựng phương án sắp xếp ĐVHC xã Hồng Tiến với định hướng, giải pháp ổn định và phát triển của xã mới hình thành sau sắp xếp. Dự kiến, trụ sở làm việc của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị xã mới được đặt tại Bình Điền”, ông Nguyễn Xuân Ty cho biết.
Nghị quyết 32 của Chính phủ quy định các ĐVHC cấp huyện, xã không đạt 50% tiêu chuẩn về quy mô dân số, diện tích tự nhiên sẽ nằm trong diện sắp xếp, sáp nhập giai đoạn 2019 - 2021. Theo đó, cả nước có hơn 630 phường, xã nằm trong diện này. Tại Thừa Thiên Huế, không có ĐVHC cấp huyện thuộc diện cần tổ chức sắp xếp. Riêng cấp xã, toàn tỉnh có 7 ĐVHC thuộc diện cần sắp xếp, gồm: Hồng Tiến (Hương Trà); Vinh Phú (Phú Vang); Vinh Hải (Phú Lộc); Bắc Sơn, A Đớt, Hồng Quảng (A Lưới) và xã Hương Giang (Nam Đông).
Bài, ảnh: Liên Minh