Cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận quà sai quy định phải nộp vào ngân sách.

Phải nộp “phong bì” vào ngân sách Nhà nước

Từ 15/8, Nghị định 59/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng chống tham nhũng sẽ có hiệu lực. Nghị định 59 điều chỉnh về trách nhiệm giải trình; đánh giá công tác chống tham nhũng; kiểm soát sung đột lợi ích…

Đáng chú ý, nghị định yêu cầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc cá nhân có chức vụ quyền hạn khi nhận được quà tặng không đúng phải từ chối đồng thời báo cáo bằng văn bản về người, cơ quan, địa chỉ của người tặng quà, giá trị quà tặng; hoàn cảnh cụ thể khi được tặng quà…

Với quà tặng bằng tiền hoặc vật có thể bán, quy ra tiền, chủ thể nhận quà phải nộp ngân sách Nhà nước. Trường hợp quà tặng là sinh vật hoặc thực phẩm tươi sống, chủ thể được nhận phải căn cứ tình hình và quy định về xử lý tang vật trong vi phạm hành chính để xử lý.

Phạt 3 triệu đồng nếu ép khách du lịch mua hàng

Nghị định 45/2019 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực du lịch sẽ có hiệu lực từ 1/8/2019.

Theo Nghị định 45, các hành vi bị xử phạt từ 1 đến 3 triệu đồng gồm tranh giành khách du lịch hoặc nài ép khách du lịch mua hàng hóa, dịch vụ; phân biệt đối xử với khách du lịch; không thực hiện đúng chế độ báo cáo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Ngoài ra, việc không không giải quyết kiến nghị, phản ánh của khách du lịch trong phạm vi quản lý; thu lời bất chính từ khách du dịch bị phạt từ 3 – 5 triệu đồng. Điểm/khu du lịch không tổ chức thu gom và xử lý rác thải hoặc không có nhà vệ sinh công cộng sẽ bị phạt từ 10 – 20 triệu đồng.

Việc chèo kéo khách du lịch mua hàng bị nghiêm cấm.

Cấm luyện tập, thi đấu thể thao khiêu dâm

Cũng từ 1/8, Nghị định 46/2019 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thể thao sẽ có hiệu lực. Trong đó, Chính phủ quy định hành vi sử dụng chất kích thích hoặc bao che, tổ chức cho vận động viên dùng chất kích thích sẽ bị xử phạt từ 10 – 20 triệu đồng.

Hành vi sử dụng bài tập, môn thể thao hoặc phương pháp luyện tập, thi đấu các môn thể thao khiêu dâm, đồi trụy; gây nguy hiểm tới tính mạng, sức khỏe… có thể bị phạt tiền từ 5 – 15 triệu đồng; tịch thu tài liệu, thiết bị liên quan.

Tiếp đến, Nghị định 46 thể hiện hành vi chửi bới, lăng mạ, xúc phạm nhân phẩm, danh dự; đe dọa xâm phạm sức khỏe, tính mạng; phản ứng không phù hợp với đạo đức, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa khi tham gia hoạt động thể thao có thể bị xử phạt từ 15 – 20 triệu đồng.

Người có hành vi cố ý gây chấn thương, chơi thô bạo gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người khác trong tập luyện, thi đấu thể thao sẽ bị phạt từ 20 – 25 triệu đồng; bị đình chỉ thi đấu và buộc công khai xin lỗi.

Hành vi chơi thô bạo trong thể thao sẽ bị phạt tiền.

Phổ biển cây trồng ở vùng khó khăn phải chuyển giao công nghệ

Đây là quy định tại Nghị định 51/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ. Cụ thể, hành vi thực hiện chương trình, dự án phổ biến giống cây trồng, vật nuôi hoặc công nghệ nuôi trồng, bảo quản… cho vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, địa bàn khó khăn nhưng không có nội dung chuyển giao công nghệ sẽ bị xử phạt từ 12 – 20 triệu đồng.

Nghị định 51 quy định thêm, sẽ phạt tiền từ 2 – 4 triệu đồng với hành vi không đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; phạt từ 1 – 2 triệu đồng với hành vi nộp hồ sơ, tài liệu phục vụ đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có số liệu, nội dung sai sự thật.

Nghị định 51/2019 có hiệu lực thi hành từ 1/8.

Phạm nhân là lao động duy nhất có thể được đặc xá

Theo Nghị định 52/2019 của Chính phủ, điều kiện được đề nghị đặc xá gồm người bị kết án có nhiều tiến bộ, cải tạo tốt; đã hoàn thành nghĩa vụ dân sự trong vụ án hoặc chưa thi hành nghĩa vụ dân sự nhưng chỉ còn ít tài sản, thu nhập đảm bảo cuộc sống tối thiểu…

Ngoài ra, người bị kết án nhưng lập công lớn trong thời gian chờ đưa “vào tù” hoặc đang chấp hành án phạt tù cũng có thể gửi đơn xin đặc xá. Lập công lớn có thể hiểu gồm có hành động giúp phát hiện, truy bắt, điều tra, xử lý tội phạm; cứu được tính mạng người khác hoặc tài sản giá trị 50 triệu đồng trở lên trong thiên tai, hỏa hoạn; có phát minh, sáng kiến giá trị lớn…

Những người đang mắc bệnh hiểm nghèo, thường xuyên đau ốm mà không tự phục vụ được bản thân; người có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và bản thân là lao động duy nhất trong gia đình… cũng thuộc đối tượng được đặc xá.

Nghị định 52/2019 quy định chi tiết một số điều của Luật Đặc xá có hiệu lực thi hành từ 1/8.

Theo Tiền phong