Việc thả bóng bay trong ngày khai trường đã phổ biến tại nhiều trường học, thành một thói quen “sang trọng” mà ít ai nghĩ đến hệ lụy của nó đối với môi trường. Ảnh: T.H
Những ngày qua, báo chí dậy lên thông điệp của một học sinh lớp 5 ở Hà Nội.
Chuyện bắt đầu từ bức thư của bé Nguyệt Linh (Trường Marie Curie) gửi tới hơn 40 trường học với lời đề nghị: Ngừng thả bóng bay trong lễ khai giảng và lý giải, khi ăn phải rác bóng bay, các chú chim và rùa biển sẽ bị chết.
Cũng như nhiều độc giả, lòng tôi dậy lên cảm xúc khó tả khi đọc thông điệp từ bức thư của Nguyệt Linh: “Thả bóng bay lên trời: Bay cao ước mơ của các học sinh - Giết ước mơ của bao chú chim và rùa biển”.
Lòng tôi cũng dậy lên cảm xúc khó tả khi đọc những lời hồi đáp của thầy hiệu trưởng, rằng "chắc chắn thầy và tất cả các thầy cô Trường Marie Curie ủng hộ triệt để đề nghị của con. Lễ khai giảng năm học sắp đến sẽ không còn bóng bay thả lên trời, nhưng tất cả thầy trò trường ta sẽ vui hơn rất nhiều".
Và ý tưởng đẹp của cô bé lớp 5 tiếp tục được đón nhận, khi mới đây, ngày 29/7, Bộ Trưởng Bộ tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã gửi thư cho bé Nguyệt Linh. Ông viết: Việc không thả bóng bay trong ngày khai giảng là con và các bạn đã từ bỏ một niềm vui của tuổi học trò để mở ra ước mơ có ý nghĩa hơn. Đó là việc bảo vệ sự sống của mọi sinh vật trên hành tinh trước vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa.
Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến ngày khai trường. Không chỉ ở Trường Marie Curie, có lẽ, nhiều trường học khác nữa, nên bắt đầu ngày đầu tiên của năm học mới bằng “thông điệp bóng bay” của bé Nguyệt Linh. Để ý tưởng đẹp ấy tiếp tục được lan tỏa.
Như lời thư của Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Chúng ta hãy chung tay để thông điệp bóng bay, hay rộng hơn là thông điệp về môi trường sư phạm không rác thải nhựa sẽ tiếp tục được lan tỏa, bắt đầu bằng những hành động nhỏ...
Không biết từ bao giờ, việc thả bóng bay trong ngày khai trường đã phổ biến tại nhiều trường học, thành một thói quen “sang trọng” mà không mấy ai nghĩ đến những hệ lụy của nó.
Không chỉ là vấn đề bảo vệ môi trường, ý tưởng không thả bóng bay của Nguyệt Linh trong ngày khai giảng còn ẩn chứa thông điệp sống đẹp. Đó là sự đánh thức lòng trắc ẩn, sự yêu thương, trách nhiệm, đức hy sinh... từ mỗi con người.
Nhật Nguyên