Ngành nông nghiệp đang tổ chức, cơ cấu lại ngành theo hướng đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản…

Chuyển dịch chăn nuôi

Theo số liệu từ ngành nông nghiệp, 4 tháng dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) xuất hiện khiến 10% tổng đàn lợn trên địa bàn bị thiệt hại.

Cùng với việc tăng cường các biện pháp ngăn chặn và khống chế dịch, ngành nông nghiệp đang tổ chức, cơ cấu lại ngành theo hướng đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản…, nhất là gia súc ăn cỏ.

Chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang hệ thống trang trại, toàn tỉnh hiện có khoảng 1.400 trang trại, gia trại; trong đó, có 70 trang trại có doanh thu 1 tỷ đồng /năm trở lên. Các trang trại, gia trại này nuôi khoảng 58.000 con lợn (chiếm khoảng 35% tổng đàn lợn). Các trang trại chăn nuôi lợn, gà quy mô vừa và lớn đang hình thành và phát triển. 

Ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y thông tin, một số địa phương trong tỉnh đang từng bước hình thành các vùng sản xuất chăn nuôi theo hướng tập trung và áp dụng công nghệ cao ngày càng nhiều. Khu trang trại thuộc các xã Quảng Vinh và Quảng Lợi (huyện Quảng Điền) có các trang trại chăn nuôi lợn và gà quy mô công nghiệp có áp dụng công nghệ bán tự động.

Trên địa bàn cũng có 5 cơ sở chăn nuôi lợn, gà (tại thị xã Hương Thủy) được cấp giấy chứng nhận phù hợp với quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAP). Công ty cổ phần Tập đoàn Quế Lâm xây dựng trên 10 mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ với số lượng trên 300 con, đang xúc tiến đầu tư trang trại chăn nuôi lợn hữu cơ với quy mô 500 con/lứa…

Các trang trại cũng mạnh dạn xây dựng các địa điểm chăn nuôi gắn với hệ thống giết mổ, chế biến. Hạn chế dần chăn nuôi lợn nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn sinh học sang nuôi gia cầm. Nguồn cung con giống cũng đảm bảo, nhất là gà giống khi Công ty 3F Việt chi nhánh Huế đóng tại huyện Quảng Điền đang nâng cấp dây chuyền đáp ứng 600.000 con gà giống/tháng.

Chăn nuôi đại gia súc

Theo Cục Chăn nuôi, trong cơ cấu tiêu dùng sản phẩm thịt của nước ta, thịt lợn chiếm gần 71% tổng sản lượng thịt các loại, thịt gia cầm chiếm 20,4% và thịt gia súc chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ với 8,6%.

Trên địa bàn, chăn nuôi lợn cũng được xem là trọng tâm trong ngành chăn nuôi với tổng đàn là 192.000 con trong khi tổng đàn trâu, bò chỉ khoảng 50.000 con.

Trước tình hình dịch TLCP diễn biến phức tạp, không có vắc xin phòng bệnh hiệu quả, nguy cơ suy giảm mạnh tổng đàn dẫn đến thiếu nguồn cung thịt lợn là điều không thể tránh khỏi. Chuyển dịch sang chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, thay thế dần thịt lợn trong khẩu phần ăn là hướng đi được ngành nông nghiệp vạch ra.

Chăn nuôi gia súc lớn là định hướng của ngành chăn nuôi

Ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chia sẻ, trên địa bàn có khá nhiều thế mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc và các địa phương tổng đàn trâu bò thời gian qua đang dần tăng lên. Nhiều địa phương có các chương trình dự án nuôi bò lớn, xây dựng được thương hiệu thịt bò… đây là nền tảng trong định hướng sau này.

A Lưới là ví dụ, khi địa phương này đã xây dựng đề án từng bước nâng cao chất lượng đàn bò trên địa bàn huyện, phấn đấu đến năm 2020, tổng đàn bò đạt 10.000 con, làm cơ sở xây dựng thương hiệu “thịt bò A Lưới”. Để thực hiện đề án, người dân bắt tay trồng cỏ cao sản, làm chuồng trại kiên cố để chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh, hướng tới phát triển chăn nuôi trang trại.

Số liệu từ UBND huyện A Lưới, giai đoạn từ năm 2016 - 2018, diện tích trồng cỏ toàn huyện A Lưới đạt 18,8 ha. Người dân còn tận dụng thêm các phụ phẩm nông nghiệp tại chỗ như rơm, thân ngô, khoai lang, cây ngô dày, thân cây chuối làm thức ăn cho bò.

Theo ông Hồ Vang, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang phối hợp ban ngành, các địa phương hỗ trợ tư vấn xúc tiến phát triển các dự án trang trại chăn nuôi đại gia súc theo hướng tăng tỷ lệ đàn bò lai; nâng cao năng lực sản xuất con giống; nhân rộng mô hình chăn nuôi theo hình thức gia trại, trang trại, chăn nuôi hữu cơ, phát triển liên kết “bốn nhà” trong sản xuất. Khuyến khích và hỗ trợ vốn vay từ chính sách cho các mô hình nuôi bò đảm bảo vệ sinh thú y và hạn chế gây ô nhiễm môi trường tại huyện A Lưới và các vùng gò đồi, miền núi để bổ sung thay thế nguồn cung cấp thực phẩm từ lợn bị giảm đàn do dịch bệnh.

Bài, ảnh: Hoàng Loan