Cháu trai bảo vừa lên mạn đồi phía tây xem đám đất người ta rao bán. Cháu bảo tìm mãi mới ra đường khi quay ngược trở lại. Chỉ cần không để ý chút thôi, sẽ khó phân định được kiệt rồi ngõ rồi ngách nào mình vừa qua. “Đô thị phát triển nhanh thiệt dì nghe. Cách đây hơn chục năm, khi cháu còn đi sửa máy tính cho người ta, vào xóm tìm mãi mới thấy ngôi nhà nằm lọt thỏm giữa khu vườn rộng mênh mông. Chừ thì khó tìm ra vườn…”

Mạn đồi đó, tôi vẫn thường rảo bộ qua mỗi sáng. Cũng không mấy nghĩ về cách mà đô thị hóa đang lấn dần. Có lẽ vì ngoại trừ những ngôi nhà có kiến trúc hiện đại đã lấp dần những nơi trước kia là vườn, không gian ở đó vẫn dễ chịu vì còn rất nhiều cây. Những mái hiên không uể oải nữa khi tiếng ve, tiếng chim hót râm ran hay lảnh lót vào ban sáng trên những giàn hoa leo nhiều màu sắc. Có khi người đi bộ còn nghe thật rõ mùi mít chín trên hàng cây ngay khi vừa xuống con dốc. Nơi đó, trước có mấy hộ gia đình. Giờ thì người ta đã dời đi nhưng hàng mít vẫn được giữ lại, xanh um và đầy quả.

Cung đường đó, tôi qua nhiều đến nỗi có khi mấy chú chó bị nhốt sau hàng rào và cánh cổng đã quen hơi, nên ít sủa. Có khi là những cái quẫy đuôi nhắng nhít như một lời chào. Những người mặc short, đi giày ba ta thường gật đầu chào nhau hay hỏi vu vơ điều gì đó khi ngang qua, dù chẳng ai định danh nhau bằng một tên gọi…

Cung đường cũng không mấy dài, đâu chừng 5-6 km nếu tôi trở dậy sớm và có thể đi vắt sang chân đồi phía bên kia. Nhưng khoảng cách ấy đủ để tôi thuộc từng vị trí của mấy hàng hiên sặc sỡ hoa giấy; những hàng cau thẳng tắp, mấy rào chuối dại, những vồng khoai đang cố nhoi lên trên đất mượn; ngôi nhà màu cũ cuối đường với cánh cổng gỗ bạc phếch hờ hững vòng khóa, chừng như ít khi gặp chủ. Cũng không ít lần tôi đã nghĩ, sẽ thật hay ho nếu mình đặt được một ngôi nhà với khu vườn vừa đủ ở mạn đồi này. Nơi mà vào mỗi sáng, có thể nghe tiếng nước chảy rì rầm trong dòng suối nhỏ hay những chùm keo thân thiện bên mé đường. Những bông cúc dại hay xuyến chi nhỏ xinh rón rén trong bình minh của ngày. Tiếng chổi quét lá của người đàn ông trong sân lớp mẫu giáo sát nách chùa Từ Hiếu cùng tiếng ho rọt rẹt, với một câu hỏi thường khi “Anh chị dậy sớm !?”. Có hôm tôi cảm giác như bước chân mình cũng nhẹ hẳn khi gặp mấy ni-cô ở ngôi chùa phía trên lúi húi quét lá, dọn rác và khẽ khàng “A di đà phật” thay lời chào.

Thấp thững lên rồi xuống, nhưng con đường quanh co giữa các lối xóm luôn mang đến một cảm giác thân thiện. Ngay cả khi những ngôi nhà mới vừa được xây lên trong một mật độ dày hơn. Có lẽ vì những khu vườn có quả, những dải chè tàu hay những bờ tường dây thằn lằn đã phủ hết thành những bờ rào xanh. Thi thoảng là những cái giếng đã cũ, mấy trái bứa vàng rớt ngay lối đi, dăm ba cây trứng cá thơm mùi quả liu xiu chín ngọt rồi mấy thửa ruộng ngò ngây ngấy dưới lưng người lúi cúi. Tôi nhớ dáng vợ chồng hai bác từ Nghệ An vào trông coi ngôi nhà đang xây giúp con gái khi tần tảo nhen lửa nấu nước vào mỗi sáng. Cả cách nói hoan hỉ với niềm vui trong mắt khi nói chuyện với những người dừng lại khi ngôi nhà ngày mỗi rõ rệt hình hài…

Nhưng cháu trai của tôi cũng đúng khi nói về sự lan tỏa của đô thị. Đó cũng là sự phát triển đương nhiên, khi những lô đất được khoanh vùng chủ quyền bằng những hàng rào bê tông ngày một nhiều hơn, nhưng cũng nhỏ hơn. Ai đó cũng đã chia sẻ về một sự phát triển chưa đồng hành cùng sự chuẩn bị về hạ tầng, bị khuất lấp đằng sau những dãy nhà, khu vườn, những kiệt, ngõ và ngách. Nhưng dẫu sao thì cho đến bây giờ, với tôi, mạn đồi phía tây thành phố vẫn còn là một nhịp thở bình yên.

NGÂN HẠNH