Các ngoại trưởng tham dự Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 52. Ảnh: Bangkok Post

Tại cuộc họp của các Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc - ASEAN tại Bangkok, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết, Trung Quốc và các nước ASEAN đã hoàn tất vòng rà soát đầu tiên văn bản dự thảo đàm phán COC trước thời hạn, sau khi cùng làm việc để tìm ra cách tiếp cận dựa trên luật lệ đối với việc quản lý Biển Đông.

"Chúng tôi đã sắp xếp hợp lý văn bản, xây dựng một cấu ​​trúc và các yếu tố rõ ràng hơn trong văn bản COC. Nó thể hiện tiến bộ mới trong tham vấn COC và đánh dấu một bước tiến quan trọng hướng tới mục tiêu hoàn tất các cuộc đàm phán trong vòng 3 năm", Ngoại trưởng Trung Quốc khẳng định.

Trong một thông cáo chung về cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao ASEAN được phát hành ngày 31/7 vừa qua, ngoại trưởng 10 nước ASEAN "nhiệt liệt hoan nghênh việc liên tục tăng cường hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc, được thúc đẩy bởi tiến trình đàm phán thực chất nhằm sớm hoàn tất một Bộ quy tắc ứng xử hiệu quả và thực chất ở Biển Đông trong một mốc thời gian được hai bên thống nhất", theo trích dẫn từ Bangkok Post.

Bộ trưởng ngoại giao các nước cũng công nhận lợi ích của việc đưa Biển Đông trở thành một vùng biển hòa bình, ổn định và thịnh vượng, vì điều này sẽ giúp đảm bảo khu vực có thể phát triển một cách bền vững. Đồng thời, các ngoại trưởng cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì và thúc đẩy một môi trường thuận lợi cho các cuộc đàm phán COC, và do đó, hoan nghênh các biện pháp thiết thực có thể làm giảm căng thẳng và nguy cơ tai nạn, hiểu lầm và tính toán sai lầm.

Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), được ký bởi Trung Quốc và các nước ASEAN năm 2002, nêu ra những nguyên tắc quan trọng nhất trong quản lý tranh chấp ở Biển Đông. Các cuộc tham vấn về COC đã được hai bên đưa ra vào năm 2013. Cả DOC và COC đều nhằm bảo vệ hòa bình và ổn định trong khu vực.

Hội nghị Bộ trưởng ASEAN-Trung Quốc diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (AMM) lần thứ 52 tại Bangkok, Thái Lan trong bối cảnh  Brunei, Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam đều có liên quan đến các yêu sách chồng chéo đối với khu vực hàng hải và đường thủy rộng lớn và giàu tài nguyên ở Biển Đông.

Trong các cuộc họp gần đây về các tranh chấp, các nước ASEAN bày tỏ lo ngại về sự gia tăng của các hoạt động quân sự, đánh bắt cá bất hợp pháp và không được kiểm soát, tội phạm xuyên quốc gia, ô nhiễm hàng hải và cạn kiệt tài nguyên biển ở Biển Đông.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ Bangkok Post & Xinhuanet)