Các nhà báo tìm hiểu tư liệu về Hoàng Sa tại Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Ảnh: Kim Oanh

Luật quốc tế là hệ thống những nguyên tắc, quy phạm pháp luật được xây dựng trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, vì lợi ích chung của toàn thế giới. Dù có các luật, hiệp ước, hiệp định nhưng lại không có cơ quan cưỡng chế quốc tế, mà chỉ có Tòa án quốc tế để xét xử khi có yêu cầu của các bên liên quan.

Theo Công ước Viên (Cộng hòa Áo) năm 1969, có hai loại điều ước, luật quốc tế chính: Hiệp ước quốc tế là thành viên sáng lập (nước có sáng kiến, tham gia đàm phán, ký kết) và thành viên tham gia (đồng ý tham gia sau khi có hiệp ước và tuân thủ các điều khoản đã có).

Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (viết tắt UNCLOS) được đưa ra đàm phán, thảo luận từ năm 1973 và chính thức ký kết năm 1982, có hiệu lực năm 1994.Việt Nam là một trong số nước đã tham gia ký kết Luật Biển năm 1982. Như vậy, Việt Nam và các quốc gia khác đã tham gia ký kết đều phải chấp hành các điều khoản của công ước này. Trong UNCLOS có hơn 370 điều, quy định tương đối đầy đủ về những khái niệm, quy định và cách xử sự của các bên có liên quan đến hoạt động trên biển. Liên quan đến Việt Nam và các nước trong khu vực Biển Đông có một số vấn đề cần được hiểu rõ thêm, nêu ra để tham khảo.

Chúng ta từng được nghe thông tin về tàu thuyền nước ngoài đâm tàu đánh cá của ngư dân ta nhưng các lực lượng vũ trang trên biển không truy đuổi và bắt họ phải đền bù thiệt hại.Theo UNCLOS thì quốc gia đã có tàu thuyền gây hại mới có quyền được phán xét, chế tài đối với tàu và công dân của họ vi phạm. Nếu họ không tổ chức điều tra, xem xét thì chúng ta không thể bắt họ phải làm, trừ khi hai bên có hiệp định song phương trong xử lý hành vi trên biển. Trường hợp khi phát hiện hành vi quả tang mà tàu vũ trang hoặc tàu ngư dân của chúng ta truy đuổi bắt được, lập biên bản đưa đến nơi gần nhất để xử lý thì mới có quyền xử lý theo luật Việt Nam hoặc bàn giao cho phía nước ngoài xử lý, đền bù thiệt hại. Nếu tàu của nước ngoài chạy thoát ra vùng biển quốc tế thì truy đuổi không còn hiệu lực, việc bắt giữ trong hoàn cảnh này là vi phạm, thậm chí đối mặt với nguy hiểm từ phía nước ngoài. Cho nên, có người phê phán gay gắt lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam hữu khuynh, hèn kém thì không hiểu rằng Luật Biển quốc tế đã quy định như vậy.

Theo điều 121 của UNCLOS thì các đảo phải có dân sinh sống thì mới được hưởng các quyền về lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế. Trong tranh chấp các đảo ở Trường Sa, chúng ta không chỉ có với Trung Quốc mà còn cả với một số nước. Khi các quốc gia này dù không thật sự quản lý, sở hữu trong lịch sử nhưng khi họ đã chiếm đóng trên thực tế thì họ cũng tuyên bố chủ quyền. Tuy nhiên, vùng lãnh hải của các đảo, bãi nổi chỉ được quyền tuyên bố 12 hải lý, không phải 200 hải lý như trong đất liền hoặc các đảo có cư dân sinh sống. Như vậy, giải quyết vấn đề biển xung quanh các đảo trong quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa của chúng ta hết sức phức tạp, không thể một sớm, một chiều, lại càng không thể đơn phương giải quyết bằng luật riêng của từng nước. Trừ trường hợp đánh chiếm được bằng vũ trang hoặc được trao trả. Tuy nhiên, bằng quân sự hoặc trao trả sẽ phát sinh vấn đề liên quan khác trong bối cảnh hầu hết các quốc gia chung khu vực biển đều có tranh chấp, chỉ ít hay nhiều căng thẳng hay không mà thôi.

Muốn xác định chủ quyền với các đảo trên biểnphải có đủ 2 yếu tố: Thứ nhất là phải có sự chiếm đóng, quản lý liên tục trên thực tế; điều kiện thứ hai là không có tranh chấp với quốc gia khác. Hoàng Sa của nước ta bị Trung Quốc đánh chiếm một số đảo từ năm 1956 và chiếm đảo lớn từ năm 1974. Nếu chúng ta không lên tiếng phản đối, không tuyên bố chủ quyền thì cùng với yếu tố thứ nhất Trung Quốc sẽ có đủ điều kiện hợp thức hóa Hoàng Sa là của họ. Như vậy, không chỉ là mất chủ quyền đối với Hoàng Sa mà còn mất luôn cả vùng biển khi luật quốc tế cho phép vùng lãnh hải 12 hoặc 200 hải lý. Cho nên, mặc dù 45 năm đã qua, nhưng chúng ta vẫn tiếp tục tuyên bố xác định Hoàng Sa là quần đảo thuộc lãnh thổ Việt Nam.Cũng trên cơ sở đó, chúng ta đã, đang và sẽ tiếp tục tuyên bố chủ quyền đối với các đảo trong quần đảo Trường Sa để làm cơ sở pháp lý quốc tế cho sau này khi điều kiện cho phép…

Với bãi Tư Chính lại có đặc điểm khác với các đảo khi nó được xác định nằm hoàn toàn trong vùng lãnh hải 200 hải lý của Việt Nam theo quy định Luật Biển quốc tế. Tuy nhiên, phía Trung Quốc lại cho rằng, bãi Tư Chính nằm trong đường 9 đoạn (đường lưỡi bò) do Trung Quốc đưa ra và coi như đây là vùng biển của họ. Đường lưỡi bò chiếm hơn 60% diện tích Biển Đông là trái hoàn toàn với Luật UNCLOS và phán quyết của Tòa án Quốc tế ngày 12/7/2016. Theo luật thì đây là vùng biển của Việt Nam, không có tranh chấp với bất cứ quốc gia nào, tuy nhiên Trung Quốc muốn biến nó thành vùng tranh chấp để gây khó khăn cho Việt Nam trong thăm dò và hợp tác khai thác tài nguyên biển. Với vùng biển Tư Chính, chúng ta đang có ở đây các nhà dàn DK1 dựng cắm vào đáy biển và có lực lượng vũ trang chốt giữ từ 20 năm nay. Đó là cơ sở pháp lý để xác định chủ quyền, quyền tài phán trong khu vực bãi Tư Chính. Đây là vùng có bãi đá san hô ngầm dài hơn 63km, rộng 11km với trữ lượng dầu mỏ và khí đốt lớn đầy tiềm năng. Khu vực này, Việt Nam đang hợp tác với các công ty lớn của các nước đang tổ chức thăm dò. Chủ quyền thực sự bãi Tư Chính theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 chúng ta đang được các nhà khoa học, các nước trên thế giới công nhận, ủng hộ.

PHƯỚC KHÁNH