Đoàn viên xã Phú Thuận (Phú Vang) trang trí thùng rác từ những chiếc lu làm mắm đặt dọc bãi biển. Ảnh: THÁI BÌNH

Rác do con người thải ra, nên ngoài cách “xử lý” rác, cần phải đặt câu hỏi: Vì sao rác ngày càng nhiều thế? Đã đành, cuộc sống tiến bộ, con người sử dụng trang bị, công cụ nhiều hơn và tất yếu thải rác nhiều hơn, nhưng chỉ nhìn quanh những người thân của mình đã thấy lối sống nặng về hưởng thụ vật chất đã cuốn con người vào cuộc đua tranh mua sắm bất chấp nhu cầu sử dụng, khiến rác không có “lối thoát”, ngay cả các nước công nghiệp hiện đại. Chuyện Canada phải nhận 69 container rác bị Philippines trả lại mà báo chí đưa tin gần đây là một bằng chứng hiển nhiên.

Ở một “cực” khác, tôi xin đưa ngay bản thân mình làm ví dụ. Năm năm rồi, tôi không may áo sơ mi nào mới, nhưng đi họp hành, dự hội thảo hết ở tỉnh đến Hội Nhà văn, không thấy bị ai chê hay khinh vì không mặc áo “hàng hiệu” (còn chê tham luận không hay thì có thể có!). Sẽ có bạn trẻ bảo: Ông đừng có đem cái kiểu sống cổ lỗ “Khốt-ta-bít” ấy ra áp dụng thời “bốn chấm-năm chấm” này! May quá! Tôi không phải “cô độc” lạc điệu, khi chính trên tờ “Tuổi trẻ” mới đây đăng tin GS. Yuan Tseh Lee (sinh năm 1936), là người Đài Loan đầu tiên nhận giải thưởng Nobel hóa học (1986) mặc áo vest cũ suốt 25 năm!

Đặt vấn đề một cách khái quát hơn, xin dẫn một đoạn phát biểu của nhà văn đoạt giải Nô-ben Mạc Ngôn về môi trường sinh thái như sau:

“… Trái đất bốc khói khắp nơi, toàn thân run rẩy, biển lớn gào thét, bão cát mù trời, hạn hán lũ lụt cũng như các triệu chứng ác liệt khác đều có liên quan chặt chẽ với phát triển khoa học kỹ thuật dưới sự thúc đẩy bởi dục vọng tham lam của các nước phát triển…

… Chúng ta cần dùng tác phẩm của mình để nói với những người phụ nữ có hàng nghìn chiếc váy, hàng vạn chiếc giày, rằng họ có tội…”

Tất nhiên là nhà văn từng đoạt giải Nobel còn “kể tội” nhiều loại người nữa - từ các ông chủ có nhiều xe sang trọng và máy bay riêng… đến những kẻ đầu cơ, những tên tham quan… để rồi nhắc nhở: “Họ đều cùng ở trên một con thuyền, nếu như chiếc thuyền đó chìm rồi, bất kể là người mặc đồ hiệu, khắp người đầy châu báu, hay áo quần lam lũ, không có lấy một đồng, thì kết cục vẫn như nhau.” Và ông kết luận như một tín hiệu cấp cứu: “Những ngày tháng tốt đẹp của nhân loại đã không còn nhiều nữa!”. (Trích từ bài “Ai là người có tội” của Mạc Ngôn trong sách “Rừng khô, suối cạn, biển độc… và văn chương” của Tiến sĩ Nguyễn Thị Tịnh Thy)

Như vậy là, chúng ta cần phải thay đổi quan niệm sống - tất nhiên không chỉ để giải quyết vấn nạn rác. Như tôi được biết, trên thế giới hiện nay, có không ít người - có cả một quốc gia, chọn lối sống đơn giản, hòa điệu với thiên nhiên là hạnh phúc. Một giáo sư vừa từ Đan Mạch về bảo tôi: Bên họ không đua chen xây nhà cao cửa rộng như Việt Nam mình đâu!... Thì cứ nhìn các biệt thự khủng của các đại gia, các quan tham đã hoặc sẽ vào “bóc lịch” trong tù đủ thấy hạnh phúc không phải là giàu sang, có lầu son gác tía và thay đồ hiệu như thay món ăn sáng! Và cũng có thể nói, chính lối sống đua đòi hưởng thụ đã đẩy họ cũng như không ít gia đình vào cảnh bất hòa, tan vỡ, thậm chí là tù tội.

Để thay đổi quan niệm sống, phải có một quá trình giáo dục, rèn luyện lâu dài. Người lớn, các bậc cha mẹ - nhất là những người thành đạt - cần nêu gương về nếp sống giản dị - xin hãy bắt đầu từ những việc cụ thể có khi bị coi là nhỏ nhặt, như một “thủ trưởng” mới về cơ quan, đừng đòi hỏi hay “gợi ý” là phải thay bàn ghế mới, ấm chén mới… Còn nhà trường, đoàn thanh niên, thiếu nhi nên có những cuộc bàn luận về “triết lý sống”, nên thường xuyên nêu gương những con người biết sống giản dị mà vẫn thành đạt, được xã hội coi trọng.

Được như thế, không chỉ môi trường sẽ giảm thiểu rác mà tâm hồn con người cũng loại thải được những “rác rưởi”; thay vào đó, sẽ là các nhu cầu nâng cao giá trị tinh thần, giúp cuộc sống thanh thản mà phong phú hơn…

NGUYỄN KHẮC PHÊ