Trải nghiệm đi thuyền ngắm cảnh ở Gành Lăng (Phú Lộc)
Bị động về nguồn khách
Cầu ngói Thanh Toàn và làng cổ Phước Tích là hai điểm du lịch cộng đồng được nhiều du khách biết đến, hình thành sớm nhằm bảo tồn các giá trị truyền thống, vừa khai thác tốt du lịch, tăng thu nhập cho người dân trong cộng đồng du lịch. Đặc điểm chung của cả hai là có sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và một số dự án khác.
Với cầu ngói Thanh Toàn, điểm du lịch chỉ cách TP. Huế khoảng 7km nên là nơi được dự án chọn hỗ trợ trước. Theo đó, tour du lịch cộng đồng tham quan cầu ngói Thanh Toàn được khởi động từ tháng 6/2012. Trong quá trình hỗ trợ của JICA và sau này thêm tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Thanh Toàn được đầu tư nhiều cơ sở vật chất, trang bị kiến thức làm du lịch cho người dân địa phương, hướng đến người dân tham gia làm du lịch.
Kiến thức làm du lịch đã có, cơ sở vật chất cũng cơ bản được đầu tư, tuy nhiên, sau khi dự án kết thúc, bàn giao lại cho địa phương, Thanh Toàn lại chật vật trong duy trì hoạt động. Doanh nghiệp đưa khách về cầu ngói chỉ loanh quanh, không vào nhà nông cụ, khiến thu nhập của người dân không có. Thiếu nguồn khách, kéo theo thiếu thu nhập, người tham gia vào mô hình du lịch cộng đồng ở Thanh Toàn dần thiếu mặn mà với làm du lịch.
Để khắc phục yếu điểm về nguồn khách, chính quyền địa phương quyết định phối hợp với một doanh nghiệp và đưa vị giám đốc doanh nghiệp vào vị trí giám đốc của HTX dịch vụ du lịch Thanh Toàn, với hy vọng vị giám đốc này sẽ là cầu nối đưa khách về với Thanh Toàn. Nhưng rồi, quyết định này không mang lại lợi ích, vị giám đốc không thực hiện như cam kết ban đầu, càng khiến Thanh Toàn rơi vào thế bị động hơn.
Làng cổ Phước Tích, nơi được JICA triển khai dự án “Phát huy vai trò cộng đồng trong phát triển bền vững thông qua du lịch”. Khác với Thanh Toàn, Phước Tích là làng cổ đã được công nhận nên có ban quản lý (BQL), nguồn lực được đầu tư cũng mạnh hơn. Nhờ có BQL mà hoạt động quản lý bài bản, tuy nhiên, yếu tố phát huy giá trị, phát triển du lịch vẫn chưa khai thác tốt. Cũng giống như ở Thanh Toàn, JICA hỗ trợ Phước Tích nhiều về bảo tồn nhà rường và tập huấn kỹ năng làm du lịch. Sau khi dự án bàn giao, cầu nối để đưa khách về Phước Tích gần như không có.
Trong lần khảo sát Phước Tích gần đây, nguồn khách đến Phước Tích có tăng lên, nhưng để người dân sống được với du lịch là chưa thể. Điểm yếu được chỉ ra vẫn là cách vận hành, phối hợp khai thác du lịch giữa doanh nghiệp, người dân và BQL.
Một điểm du lịch cộng đồng khác cũng được hỗ trợ của Dự án Luxembourg là Gành Lăng (Phú Lộc). Tính đến tháng 7/2019, tròn một năm dự án bàn giao cho địa phương. Theo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phú Lộc, Gành Lăng đang gặp khó về nguồn khách. Hiện, điểm du lịch này được giao cho người dân quản lý và khai thác theo hình thức HTX. Thay vì phục vụ khách du lịch, người dân tự ý mở thêm các nhà hàng, san lấp mặt hồ để phục vụ khách địa phương đến ăn uống... đã phá vỡ quy hoạch ban đầu.
Du khách đến tham quan cầu ngói Thanh Toàn
Đừng để lãng phí
Ông Lê Ngọc Sanh, Chánh Văn phòng Sở Du lịch cho biết, theo nguyên tắc, khi dự án bàn giao, địa phương thành lập BQL để quản lý và khai thác. Đối với các địa phương không có năng lực quản lý, sẽ phối hợp, chuyển giao cho doanh nghiệp để khai thác.
“Phần lớn các địa phương sẽ chọn phương án thành lập BQL, chứ không muốn phối hợp doanh nghiệp để sử dụng nguồn tài trợ của dự án. Tuy nhiên, phần lớn ban quản lý không đạt tiêu chí, hoạt động theo cơ chế Nhà nước nên chỉ hiệu quả ở khâu quản lý, bảo tồn, còn khai thác, phát triển không hiệu quả bằng phương án phối hợp với doanh nghiệp”, ông Sanh nhấn mạnh.
Bà Dương Thị Công Lý, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh cho rằng, khi các dự án rút đi, lượng khách, sản phẩm của các điểm du lịch gần như trở về con số không. Thực tế cho thấy, phải có sự kết nối với doanh nghiệp để quảng bá, đưa nguồn đưa khách về cho các điểm du lịch cộng đồng, đảm bảo hoạt động lâu dài hơn.
Bài học về lựa chọn, phối hợp với doanh nghiệp ở một số điểm cần được nhìn nhận. Như ở Gành Lăng, khi bắt đầu, doanh nghiệp cùng tham gia và cam kết hỗ trợ, phối hợp, nhưng do doanh nghiệp không “mặn mà” nên đã ngừng phối hợp từ khi dự án chưa bàn giao.
Hay ở cầu ngói Thanh Toàn, doanh nghiệp đã được địa phương giao quyền quyết định, khi kiêm luôn giám đốc HTX, nhưng rồi sự yếu kém, tư tưởng kinh doanh chưa vì lợi ích chung khiến sự hợp tác này sớm đi vào “ngõ cụt”. Một điều cần phân tích nữa là sự lựa chọn doanh nghiệp từ các địa phương cần kỹ lưỡng và bản cam kết hoạt động cần chặt chẽ hơn, với mục tiêu hướng đến là giúp người dân, địa phương phát triển kinh tế.
Bài, ảnh: Quang Sang